Kinh tế

Doanh nghiệp

Các đơn vị sự nghiệp công lập: Nỗ lực tự chủ tài chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tự chủ về tài chính vừa là yêu cầu, vừa là thử thách rất lớn trong giai đoạn hiện nay của các đơn vị sự nghiệp công lập. Để có thể đứng vững, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đã nỗ lực tìm giải pháp vượt qua trở ngại, khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 5-6-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 64-CTr/TU. Chương trình hành động này xây dựng cho giai đoạn 2018-2021 nhằm định hướng nội dung kiện toàn, sắp xếp, đổi mới hoạt động của từng đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến huyện; đẩy mạnh và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao mức độ tự chủ tài chính; xác định cụ thể lộ trình nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị so với giai đoạn 2011-2015; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện thành công ty cổ phần.
 Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh đang nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để tự chủ về tài chính. Ảnh: S.C
Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh đang nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để tự chủ về tài chính. Ảnh: S.C
Là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh đã xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính từ năm 2018 trình UBND tỉnh. Trong giai đoạn phương án chờ phê duyệt, từ tháng 1-2019 đến nay, Trung tâm đã bắt đầu tự bảo đảm chi thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và người lao động. Với tinh thần quyết tâm cao nhất, đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị đã xác định rõ “không sợ khó, không sợ khổ khi thực hiện tự chủ tài chính”; chủ động triển khai các giải pháp để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí đầu vào, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trên cơ sở thế mạnh về kinh nghiệm, cơ sở vật chất đầu tư bài bản, Trung tâm chuyên cung cấp các loại giống lúa, cà phê, keo tai tượng, nuôi cấy mô các loại lan giả hạc, lan kim tuyến, hoa loa kèn, khoai lang Nhật, chuối tiêu hồng… đảm bảo sạch bệnh, chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng cây giống số lượng lớn theo đơn đặt hàng.
Ông Phạm Cường-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng tỉnh-cho biết: “Sản xuất cây giống mà không có đầu ra, không có khách hàng thì chúng tôi cũng không thể trụ được. Hiện tại, sản phẩm của Trung tâm chủ yếu phân phối qua kênh đại lý bán lẻ cho nông dân, nguồn khách hàng lớn chưa có nhiều. Chúng tôi rất mong muốn được tỉnh và các ban, ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm cho các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và PTNT”. Được biết, bước đầu triển khai thực hiện tự chủ chi thường xuyên, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm không còn nên khó khăn là điều không thể tránh khỏi, nhất là diễn biến thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, tác động đến sức mua của thị trường cây giống, mặt khác lại tăng chi phí đầu ra của sản phẩm. Khó khăn về nguồn thu đã tác động đến việc tái đầu tư sản xuất của đơn vị.    
Không giống như các đơn vị ở lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ phải thực hiện tự chủ chi trực tiếp và tiền lương từ năm 2018, đến năm 2019 chính thức bắt tay vào tự chủ chi phí quản lý. Trên lộ trình đã vạch ra, làm thế nào để tồn tại và phát triển là bài toán mà Trung tâm phải giải. Xét về mặt địa lý, Trung tâm rất gần với các đơn vị y tế lớn nên ảnh hưởng đến việc thu hút bệnh nhân. Để người bệnh ưu tiên lựa chọn khám-chữa bệnh tại Trung tâm, việc nâng cao chất lượng chuyên môn là yêu cầu tiên quyết. Trên cơ sở đó, đơn vị đã chủ động đưa đội ngũ y-bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo chuyên ngành, học tập kinh nghiệm tại những đơn vị y tế lớn như: Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Đồng thời, đơn vị tranh thủ sự quan tâm của tỉnh, của ngành để từng bước kiện toàn cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp hệ thống máy xét nghiệm, siêu âm, X-quang kỹ thuật số, monitor theo dõi bệnh nhân… Đồng thời, Trung tâm tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế bằng các hoạt động tương trợ, tư vấn giúp đỡ bệnh nhân, tương xứng với vai trò, nhiệm vụ của bệnh viện hạng 3 tuyến huyện, thực hiện các chương trình phòng-chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Đak Pơ.
Nếu như năm 2018, nguồn thu từ hoạt động khám-chữa bệnh và phần kinh phí ngân sách hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng giúp Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ đảm bảo cân đối thu chi trong hoạt động thì năm 2019, nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ bộ phận hành chính-quản lý không còn, gánh nặng tài chính phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu viện phí và bảo hiểm y tế. Bác sĩ Nguyễn Đức Việt-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ-cho biết: “Mặc dù số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký là 34.582 thẻ nhưng người dân có thể lựa chọn khám-chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến nên nguồn thu của đơn vị không ổn định. Trong quý I-2019, nguồn thu từ hoạt động khám-chữa bệnh có phần thiếu hụt, bước sang quý II thì tương đối đảm bảo. Với kết quả ban đầu trong thực hiện tự chủ chi phí quản lý, chúng tôi chưa dám khẳng định điều gì, trước mắt cố gắng phấn đấu hết sức mình để vượt qua khó khăn”.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm