Thể thao

Thể thao cộng đồng

Các giải bóng đá trong nước: Nhiều thay đổi, xáo trộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra, đồng thời tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, các hoạt động bóng đá trong nước đã buộc phải tạm hoãn, không diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu.
Từ quyết định hoãn các giải đấu
Theo kế hoạch đã được công bố trước đây thì mùa giải mới 2020 của bóng đá Việt Nam sẽ được bắt đầu bằng trận tranh Siêu cúp vào ngày 7-2. Sau đó, vòng loại Cúp Quốc gia sẽ được tiến hành trong 2 ngày 9 và 10-2. Sân chơi V.League khai màn vào ngày 21-2, còn Giải Hạng nhất sẽ bắt đầu vào ngày 29-2. Trong những ngày vừa qua, trước diễn biến của dịch nCoV, các cơ quan chủ quản, đơn vị điều hành như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã bàn bạc, thảo luận nhiều giải pháp và phương án khác nhau cho các hoạt động bóng đá thời gian đến. Từ đó, các đơn vị này quyết định tạm dừng các giải đấu và đưa ra phương án tổ chức trong thời gian sắp đến. Theo đó, trận tranh Siêu cúp sẽ được dời sang ngày 21-2 hoặc 1-3 tùy theo tình hình cụ thể. Tuy vậy, cả VPF lẫn Báo Tiền Phong (đơn vị đồng tổ chức) đều quyết định trên tinh thần sẽ cùng VFF tổ chức trận tranh Siêu cúp vào ngày 1-3.
Các hoạt động bóng đá trong nước buộc phải tạm hoãn trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV. Ảnh: K.N.B
Các hoạt động bóng đá trong nước buộc phải tạm hoãn trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV. Ảnh internet
Đồng thời, VPF sẽ dời loạt trận vòng loại của Cúp Quốc gia vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 4 năm nay. Sân chơi quan trọng nhất là V.League 2020 cũng sẽ được điều chỉnh lịch để dự kiến khai mạc vào ngày 7-3. Trong khi đó, Giải Hạng nhất dự kiến sẽ khởi tranh vào ngày 14-3.
Như vậy, nhìn vào những phương án mà VPF đưa ra để căn chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, có thể thấy các hoạt động bóng đá dự tính tổ chức trong tháng 2 đều sẽ lùi sang tháng 3 và chậm hơn so với lịch công bố trước đây ít nhất 2 tuần. Đây là các phương án được coi như khả thi nhất vào lúc này. Mọi việc được đặt trên các chiều hướng khác nhau và được dựa trên nhiều phương án như thế để có thể thay đổi tùy theo diễn biến tình hình dịch nCoV.
Đến những ứng phó từ cơ quan chủ quản và các đội bóng
Nói về kế hoạch và phương án tổ chức các hoạt động bóng đá nước nhà trong thời gian tới cũng như đảm bảo tuân thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và đơn vị chủ quản, ông Trần Anh Tú-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPF-cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao những diễn biến mới của dịch nCoV. Tất nhiên, VPF cũng đã có phương án trong tình huống xấu nhất. Mùa giải 2020 phải chậm khởi tranh mấy tuần sẽ ảnh hưởng không chỉ đến công tác tổ chức mà còn gây ra những khó khăn cho các câu lạc bộ (CLB) từ việc tổ chức tập luyện cũng như vấn đề kinh phí hoạt động tăng lên. Nhưng tất cả không thể còn cách nào khác với quyết định này của những cơ quan quản lý, điều hành”.
Cũng theo ông Tú, các CLB tỏ ra khá chủ động trong kế hoạch của mình dù phải đối mặt với những khó khăn như thế và hoàn toàn ủng hộ, tuân thủ sự điều hành từ VFF cũng như chỉ đạo của các bên liên quan. Dễ nhận ra nhất là những điều chỉnh này khiến các CLB phải thay đổi kế hoạch tập luyện cho phù hợp với tính toán. Ngay cả những buổi lễ xuất quân cũng được các CLB hủy bỏ và chuyển sang thời gian thích hợp. Lùi ngày thi đấu, hẳn nhiên sắp tới, nguy cơ các đội phải đá dồn toa là khó tránh khỏi. Vì chỉ có đá như thế mới đảm bảo việc V.League kết thúc sớm, tạo điều kiện cho đội tuyển quốc gia chuẩn bị tham dự AFF Cup vào cuối năm cũng như 3 trận vòng loại World Cup còn lại từ nay đến đầu tháng 6.
Thiệt hại đầu tiên mà các CLB gặp phải là trong thời gian mùa giải tạm hoãn vẫn phải trả lương cho cầu thủ. Điều đáng lo hơn với các đội là khả năng lây nhiễm bệnh nội bộ. Bên cạnh việc bắt buộc cầu thủ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng-chống dịch nCoV, ban huấn luyện các đội còn phải giúp họ duy trì sức khỏe, điều chỉnh điểm rơi phong độ theo các thời điểm mùa giải chính thức diễn ra. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, các CLB đã có nhiều giải pháp trong thời gian này để vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa căn chỉnh trạng thái phong độ cho cầu thủ.
Chẳng hạn, Hà Nội FC sau khi có thông báo hoãn giải của ban tổ chức đã cho toàn đội nghỉ tập trung 1 tuần nhưng các cầu thủ được khuyến cáo phải tự rèn luyện ở nhà, chờ đến ngày hội quân trở lại. Các đội bóng có khoảng cách địa lý gần nhau chọn đá tập giao hữu để các cầu thủ làm quen với việc thi đấu và không phải tập chay. Như trường hợp CLB Bóng đá TP. Hồ Chí Minh và CLB Becamex Bình Dương đang tập huấn tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ mùng 4 Tết. Tại đây, cả 2 cùng đội Bà Rịa-Vũng Tàu đá giao hữu trong các ngày 5 và 7-2.
Nói tóm lại, với tình thế bất khả kháng như hiện nay, các hoạt động của bóng đá nước nhà phải tuân thủ triệt để, nghiêm túc những chỉ đạo của cơ quan chủ quản theo yêu cầu từ Chính phủ. Việc tạm dừng các giải đấu là vô cùng cần thiết dù có thể ảnh hưởng ít nhiều trong quá trình chuẩn bị của mỗi đội bóng. Tuy vậy, cảm thông, chia sẻ và đồng hành là điều mà mỗi CLB đang tỏ ra rất thiện chí và thực hiện nghiêm túc trong thời điểm này. Hy vọng, công tác phòng-chống dịch bệnh nCoV sẽ có biến chuyển tích cực trong thời gian sớm nhất để bóng đá Việt Nam trở lại với guồng quay bình thường.
MỘC MIÊN

Có thể bạn quan tâm