Các lối thoát hiểm nhất thiết phải có cho nhà ống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các gia đình nên bố trí giếng trời, sân thượng thông thoáng và hạn chế kiểu khóa cần dùng chìa để mở.

Trong hầu hết các vụ cháy có thiệt hại về người ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nạn nhân thường không thể thoát khỏi nhà do thiếu lối thoát hiểm. Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa, cứu hộ lại rất khó tiếp cận với những công trình này, đặc biệt là nhà trong ngõ hẻm.

Phần lớn những ngôi nhà phố đều có chung đặc điểm bất lợi: Hẹp và sâu, diện tích nhỏ, ít mặt thoáng, sát với nhiều nhà cao tầng khác. Chủ nhà thường quan tâm tới diện tích sử dụng, sự phân bố các phòng... mà ít ai nghĩ đến phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, do lo ngại về vấn đề trộm cắp, an toàn (tránh ngã trên cao), nhà phố thường được xây kín đáo với cửa, khóa nhiều lớp, che chắn mặt tiền bằng gạch hoa, lam, lưới, lồng sắt, cửa sổ có hoa sắt…


 

Hoa sắt cửa sổ có tác dụng chống trộm nhưng cũng là con dao hai lưỡi - cản trở việc thoát hiểm. Ảnh: Hà Thành.
Hoa sắt cửa sổ có tác dụng chống trộm nhưng cũng là con dao hai lưỡi - cản trở việc thoát hiểm. Ảnh: Hà Thành.



 Nhà phố thường khó thiết kế, lắp đặt thiết bị phòng báo, chữa cháy như các công trình lớn. Chủ nhà có thể áp dụng các giải pháp sau:

- Nhà nên có ban công: Đây là lối thoát hiểm hữu hiệu và có tính thẩm mỹ, giúp che nắng, mưa. Nếu nhà cháy, các thành viên có thể mở cửa để ra ngoài kêu cứu. Nếu ban công không dùng lan can mà quây lam, lưới thì nên có ô cửa mở bằng bản lề, có khóa để mở khi cần.

- Nhà nên có sân thượng và giếng trời: Sân thượng là một khoảng trống lớn, thoáng giúp thoát hiểm hữu hiệu tương tự như ban công. Tuỳ vào địa hình cụ thể mà người bị nạn có thể sang nhà hàng xóm kế bên, hoặc chờ lực lượng cứu hộ tới. Giếng trời trong nhà phố giúp thông thoáng và thoát khói thẳng lên trên.


 

Nhà phố nên có ban công để thoát hiểm khi có sự cố. Ảnh: Hà Thành.
Nhà phố nên có ban công để thoát hiểm khi có sự cố. Ảnh: Hà Thành.


 - Với những nhà có nhiều hơn một mặt thoáng, nên bố trí cửa thoát hiểm ở phía sau hoặc bên hông nhà, phòng khi không thoát ra được ở cửa chính thì thoát ở cửa phụ. Các hệ thống chốt khóa đơn giản, dễ vận hành.

- Bố trí mỗi tầng có ít nhất hai lối thoát hiểm: Một lối ra cầu thang (lên hoặc xuống) và một lối thoát ra cửa sổ, ban công.

- Nên làm cửa có cánh đóng mở: Các loại cửa sắt kéo, cửa nhôm cuốn không thuận tiện cho việc thoát hiểm. Các loại cửa trong nhà như cửa phòng, mở ra ban công, sân thượng nên sử dụng chốt khóa đơn giản, dễ vận hành; nên dùng khóa bằng các loại chốt, giảm số cửa dùng chìa.

- Trang bị bình chữa cháy (bình CO2, bình phun bọt); thường xuyên kiểm tra các vị trí cửa, lối thoát hiểm; lắp đặt hệ thống báo cháy (nếu có điều kiện).


 

Sân thượng cần lối lên thuận tiện, không bịt kín mọi bề. Ảnh: Trọng Nhân.
Sân thượng cần lối lên thuận tiện, không bịt kín mọi bề. Ảnh: Trọng Nhân

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm