Khoa học - Công nghệ

Các nhà khoa học Nga đạt thành tựu đột phá từ vỏ khoai tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Tyumen (Nga), phối hợp cùng một nhóm quốc tế, đã tận dụng các củ khoai tây nhỏ bé để tạo ra hạt nano bạc có tính ứng dụng cao. Phát hiện này được kỳ vọng tạo cách mạng trong nhiều lĩnh vực từ y học đến nông nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn: Eurofresh Distribution

Ảnh minh họa. Nguồn: Eurofresh Distribution

Phát hiện của các nhà nghiên cứu Đại học Y Tyumen đã được công bố trên tạp chí Heliyon. Theo đó, các hạt nano có nguồn gốc từ vỏ khoai tây trắng có đặc tính kháng khuẩn và gây độc tế bào mạnh mẽ, khiến chúng trở thành một công cụ đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại các vi sinh vật gây bệnh.

Hạt nano bạc có tác dụng kháng khuẩn cao. Chúng được sử dụng để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn trong nha khoa, phẫu thuật, điều trị vết thương, bỏng… Tầm quan trọng của các hạt nano kim loại, đặc biệt là bạc, được ghi nhận rõ ràng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như vi điện tử và y sinh.

Tuy nhiên, quy trình sản xuất thông thường các hạt nano này, chủ yếu liên quan đến phương pháp hóa học và vật lý, không chỉ tiêu tốn năng lượng, tốn kém mà còn gây bất lợi cho môi trường.

Điều này khiến các nhà nghiên cứu của Đại học Y Tyumen khám phá quá trình sinh tổng hợp, một giải pháp thay thế bền vững về mặt môi trường và tiết kiệm chi phí hơn, phù hợp với nỗ lực toàn cầu hướng tới các công nghệ xanh.

Quy trình sinh tổng hợp mới này do nhóm nghiên cứu của Đại học Y Tyumen phối hợp với các nhà khoa học Azerbaijan, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Họ tận dụng tinh bột có trong vỏ khoai tây trắng, một phụ phẩm nông nghiệp dồi dào và thường không được chú ý.

Giáo sư dự bị Beylerli Aferin Tagi kyzy tại Đại học Y Tyumen, người tham gia nghiên cứu, chia sẻ với hãng tin Sputnik (Nga) rằng phương pháp này không chỉ tổng hợp hiệu quả các hạt nano bạc mà còn đảm bảo chúng sở hữu những đặc tính cơ học, cấu trúc và trị liệu cần thiết.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm nghiệm hiệu quả của các hạt nano này và thu được kết quả đầy hứa hẹn cho thấy chúng chống lại nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh như Staphylococcus aureus và Escherichia coli, cũng như Candida albicans - loại nấm gây bệnh nấm candida và các bệnh nhiễm trùng mắc phải tại bệnh viện.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu của Đại học Y Tyumen tin rằng ứng dụng của các hạt nano bạc này không chỉ dừng lại ở y tế. Chi phí sản xuất thấp và hiệu quả của chúng mang lại tiềm năng trong nông nghiệp, đặc biệt là trong việc bảo vệ cây trồng khỏi các bệnh do vi khuẩn và nấm.

Nghiên cứu đột phá này không chỉ nêu bật tiềm năng của chất thải nông nghiệp trong đổi mới khoa học mà còn đặt ra tiêu chuẩn mới trong sản xuất hạt nano bền vững và tiết kiệm chi phí. Nó đánh dấu một bước tiến đáng kể trong công nghệ xanh và mở ra vô số khả năng cho các ứng dụng trong tương lai về y tế và nông nghiệp.

Có thể bạn quan tâm