Binh sỹ NATO diễn tập vượt sông năm 2023. Ảnh: US Army |
"Thực tế, mọi quốc gia thành viên NATO đều đã có nhân viên quân sự ở Ukraine, chẳng hạn như các tùy viên quân sự hoặc những người thỉnh thoảng đến Ukraine. Những gì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chủ yếu liên quan đến đào tạo nhân lực", ông Hanno Pevkur nói.
Theo Hanno Pevkur, quân nhân NATO đang hoạt động tại Ukraine với tư cách là cố vấn và đang tham gia huấn luyện quân sự cho quân đội Ukraine ở Ba Lan, Anh, Estonia.
Ông cho biết thêm, các quan chức quốc phòng phương Tây đang lên kế hoạch thành lập các trại huấn luyện ở Ukraine nhằm tránh các vấn đề liên quan đến biên giới và đẩy nhanh quá trình chuẩn bị.
Đồng thời, ông Pevkur khẳng định không có chuyện binh sĩ NATO trực tiếp tham chiến ở Ukraine nhằm chống lại Nga. "Kịch bản này đã bị loại trừ", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Pháp Macron hồi tháng 2 cho biết lãnh đạo phương Tây đã bàn đến kịch bản đưa quân vào Ukraine. Tuy chưa đạt được đồng thuận, song phương Tây không loại trừ khả năng có thể đưa lực lượng đến Kiev.
Ý tưởng đưa quân đến Ukraine hiện gây nhiều tranh cãi. Trong khi hầu hết các nước thành viên NATO tuyên bố không có ý định triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ Ukraine, trong đó có Mỹ, thì một số nhà lãnh đạo ủng hộ ý tưởng này.
Điện Kremlin khẳng định phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ dẫn đến đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa NATO với Nga.
Các quốc gia phương Tây đang xây dựng liên minh nhằm cung cấp bom, tên lửa tầm trung và tầm xa để Ukraine tập kích sâu hơn vào hậu phương của Nga. Khoảng 15 quốc gia nhất trí tham gia sáng kiến mà Czech đưa ra về mua hàng nghìn quả đạn từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) để viện trợ cho Ukraine.