Kinh tế

Nông nghiệp

Các tỉnh Tây Nguyên trồng tái canh cà phê trong mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, các tỉnh Tây nguyên đang trong mùa mưa nên các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã tập trung lao động, phương tiện, nguồn vốn… triển khai thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo trên 18.460 ha cà phê theo kế hoạch năm 2018. Lâm Đồng, Đak Lak là hai địa phương có kế hoạch diện tích trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê nhiều nhất.
 

Tập huấn mô hình sản xuất và tái canh cà phê bền vững tại Đak Lak.
Tập huấn mô hình sản xuất và tái canh cà phê bền vững tại Đak Lak.

Các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động làm đất, khoang hố, cây giống, giống ghép, vật tư phân bón… để khi có mưa xuống là triển khai trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê theo đúng tiến độ. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, các nông hộ ở Tây Nguyên đã sử dụng hầu hết là các dòng cà phê vối giống mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13 vào trồng đại trà thay cho các giống cà phê cũ đã thoái hóa. Đây là các giống cà phê mới không những có năng suất cao từ 4,2 - 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65% mà còn kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Điển hình có 4 dòng cà phê vối chín muộn, gồm TR9, TR11, TR12, TR13 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô ở Tây Nguyên để không những thuận lợi trong việc thu hoạch, không bị mưa trong quá trình phơi sấy mà còn góp phần giảm lượng nước tưới cho cà phê trong mùa khô.

Đối với các vườn cà phê vối già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh năng suất kém mà không bị sâu bệnh hại, nhất là các bệnh hại về rễ cây, các nông hộ đã chủ động thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo ngay không trải qua luân canh các loại cây ngắn ngày từ 2 - 3 vụ trở lên…

Các địa phương vùng Tây Nguyên cũng đã xây dựng các vườn sản xuất hạt giống cà phê vối bằng các dòng vô tính chọn lọc, đồng thời, xây dựng các vườn nhân chồi để mỗi năm cung cấp chồi ghép, giống ghép đạt chuẩn có chất lượng cao cho các nông hộ trồng tái, ghép cải tạo các vườn cà phê.

Tuy nhiên, hiện nay, theo quy trình sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi, đất phải được luân canh cải tạo ít nhất là 2 năm bằng các loại cây trồng ngắn ngày là yêu cầu hết sức khó khăn với các nông hộ trồng cà phê quy mô nhỏ lẻ, trong khi đó, diện tích cà phê ở Tây Nguyên chủ yếu là của các nông hộ nhỏ lẻ. Mặt khác, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để trồng tái canh cà phê còn nhiều khó khăn, lãi suất cho vay đầu tư trồng tái canh cây cà phê vẫn còn cao…  làm cho việc giải ngân vẫn còn hạn chế.

Cũng theo các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay vẫn còn thiếu các cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ cho ngành sản xuất cà phê, nhất là vùng Tây Nguyên, nới chiếm gần 95% diện tích cà phê cả nước như chính sách về đất đai (tiền thuê đất của các danh nghiệp nông nghiệp), lãi suất cho vay tái canh, chính sách hỗ trợ cây giống phục vụ tái canh… nên chưa thu hút mạnh các nông hộ đẩy nhanh tiến độ trồng tái canh cà phê.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng diện tích cà phê trồng tái canh, ghép cải tạo của các tỉnh Tây Nguyên đến hết năm 2017 là 98.210 ha, đạt trên 81% kế hoạch đến năm 2020 là 120.000 ha; trong đó, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê nhiều nhất với trên 51.970 ha đạt 113% kế hoạch đến năm 2020, tỉnh Đak Lak đạt 77% kế hoạch trồng tái canh đến năm 2020…

Quang Huy/TTXVN

Có thể bạn quan tâm