Kinh tế

Nông nghiệp

Nam Trung bộ - Tây nguyên đối diện hạn hán khốc liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nắng nóng, khô hạn kéo dài ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn héc ta cây trồng trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên.

Trong khi đó, tại đồng bằng Nam Trung bộ, các đập, hồ chứa nước cũng đang cạn kiệt và nguy cơ hạn trên diện rộng ở 2 khu vực này đang hiện hữu.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, những ngày qua, nắng nóng kéo dài khiến nhiều ao, hồ, sông, suối nhỏ và các đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cạn kiệt nguồn nước. Nhiều người ví von "Đắk Nông giờ nắng nóng như… TP.HCM" để nói về khí hậu ở địa phương này đã không còn mát mẻ như trước. Đáng chú ý, khô hạn còn khiến cây trồng thiếu nước tưới, có nơi vườn cà phê đang chết dần chết mòn.

Khô hạn từ miền núi đến đồng bằng

Ông Nguyễn Khắc Chinh (58 tuổi, ngụ xã Đắk Lao, H.Đắk Mil, Đắk Nông) cho biết vườn cà phê 7 sào của ông đang chết dần do thiếu nước tưới. Hơn nửa tháng nay, ông chầu chực cả ngày ngoài hồ chứa nước 40 (xã Đắk Lao) để tìm thuê người tưới nước nhưng không được. "Hồ đã cạn trơ đáy nên có muốn thuê cũng không được. Giờ đành bất lực nhìn vườn cà phê chết dần thôi", ông Chinh buồn bã nói.

Hồ chứa nước Ông Kinh ở Ninh Thuận trơ đáy.

Hồ chứa nước Ông Kinh ở Ninh Thuận trơ đáy.

Tại Kon Tum, theo UBND tỉnh, tình trạng ít mưa, hạn hán, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có nguy cơ bị khô hạn, thiếu nước là trên 1.770 ha; trong đó, diện tích lúa 780 ha, cây cà phê 990 ha.

Cùng với Kon Tum, đã nhiều tháng nay trên địa bàn Gia Lai không có mưa, thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng nặng nề đến cây trồng, nước sinh hoạt của người dân. Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, tại tỉnh này đã có 6 đợt nắng nóng, hơn 275 ha cây trồng các loại bị hạn, thiệt hại nhiều tỉ đồng. Ngoài ra, nhiều diện tích cây trồng đang thiếu nước tưới như cà phê, hồ tiêu… ảnh hưởng lớn đến năng suất. Nhiều giếng khoan, giếng đào bị hụt nước, khô cạn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Tại Quảng Ngãi, theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, nắng nóng gay gắt tập trung từ tháng 4 đến tháng 6, mực nước trên các sông biến đổi theo xu thế giảm dần, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong vụ hè thu là rất cao. Dự kiến vụ hè thu của Quảng Ngãi có khoảng 3.100 ha đất sản xuất nông nghiệp bị hạn, các vùng bị thiếu nước chủ yếu là vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập có quy mô nhỏ, nhất là địa bàn TX.Đức Phổ. Khả năng có khoảng hơn 10.000 người bị thiếu nước sinh hoạt do hạn hán.

Hồ chứa nước trơ đáy

Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 858 công trình thủy lợi (gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm), phục vụ tưới tiêu cho hơn 262.339 ha cây trồng; trong đó diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi là 151.616 ha; còn lại các nguồn nước mặt sông suối, ao nhỏ, nước ngầm tưới khoảng 114.883 ha.

Vườn cà phê của người dân trên địa bàn Đắk Nông đang chết dần do thiếu nguồn nước tưới.
Vườn cà phê của người dân trên địa bàn Đắk Nông đang chết dần do thiếu nguồn nước tưới.

Đến giữa tháng 4, trong số 252 hồ chứa do Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý khai thác, có 28 hồ cạn nước, 83 hồ chứa đạt dung tích dưới 50%, còn lại từ 50 - 90%. Trong 193 công trình hồ chứa vừa và nhỏ do các địa phương quản lý, có 16 hồ cạn nước, 56 hồ chứa đạt dung tích dưới 50%...

Những địa phương có nhiều hồ cạn nước nhất là các huyện Krông Búk, Lắk, Ea H'leo, M'Đrắk, Krông Ana, TX.Buôn Hồ… Ngoài ra, mực nước trên các sông, suối có lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 10 - 30%, một số sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt. Qua thống kê sơ bộ, đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 2.055 ha cây trồng thiếu nước tưới đang áp dụng các biện pháp chống hạn. Dự báo trong vòng 1 tháng tới, có từ 5.000 - 8.000 ha cây trồng có nguy cơ lâm cảnh khô hạn, thiếu nước.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, cho hay trong thời gian tới nếu không có mưa, thời tiết tiếp tục nắng nóng thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ giảm mạnh; đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, lượng nước xuống gần như bằng 0 và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng. Do đó, nguy cơ diện tích tưới của các công trình này bị hạn về cuối mùa khô rất lớn.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 307 công trình thủy lợi, trong đó, đến thời điểm hiện tại, có 31 công trình đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt. Cụ thể: H.Đắk Mil có 17 công trình, H.Krông Nô có 3 công trình, H.Đắk Song có 3 công trình, H.Đắk R'lấp có 3 công trình, H.Tuy Đức có 5 công trình…

Tại Kon Tum, nhiều ngày qua do nắng nóng kéo dài, hồ chứa C3 ở xã Hà Mòn, H.Đắk Hà) đã cạn trơ đáy. Hồ có dung tích 370.000 m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha cây trồng trên địa bàn. Khi hồ cạn nước, người dân không biết tìm nguồn nước ở đâu để phục vụ tưới tiêu.

Tương tự, mực nước tại nhiều hồ, sông suối ở Gia Lai đang xuống thấp, khô cạn. Nếu thời gian tới không có mưa, hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng, càng khốc liệt hơn. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, hiện công ty đang quản lý 16 hồ chứa, trong đó 12 hồ chứa chỉ đạt từ khoảng 12% - 44% dung tích thiết kế.

Theo thống kê của tỉnh Bình Định, hiện lượng nước còn lại của 164 hồ trên địa bàn tỉnh là 479 triệu m3, đạt 71% dung tích thiết kế. Trong đó, có 22 hồ chứa đã cạn, lượng nước tại các hồ khác cũng đang tiêu hao nhanh. Trong điều kiện nắng nóng, dự kiến vụ hè thu năm 2024, Bình Định phải ngừng sản xuất trên 1.911 ha. Trường hợp không có mưa thì có khoảng 6.009 hộ/24.036 người dân tại H.Phù Mỹ, H.Tây Sơn, H.An Lão, TP.Quy Nhơn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Tuyến kênh mương trên địa bàn xã Sa Bình (H.Sa Thầy, Kon Tum) cạn kiệt không còn khả năng cung cấp nước tưới tiêu.

Tuyến kênh mương trên địa bàn xã Sa Bình (H.Sa Thầy, Kon Tum) cạn kiệt không còn khả năng cung cấp nước tưới tiêu.

Tập trung các giải pháp chống hạn

Với mục tiêu "không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi", tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động kiểm tra, theo dõi, nắm chắc diễn biến hạn hán để triển khai một số giải pháp cấp thiết.

Trước diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài, trên địa bàn TP.Kon Tum có hơn 1.000 ha lúa vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Yaly có nguy cơ thiếu nước. Để đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích lúa này, Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum đã huy động 3 trạm bơm điện tại 2 xã Ngọc Bay và Vinh Quang (TP.Kon Tum) vận hành hết công suất cả ngày lẫn đêm bơm nước chống hạn.

Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, từ tháng 2 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 4 đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất đạt từ 35,5 - 37,4 độ C. Dự kiến nắng nóng tiếp tục và kéo dài cho đến giữa tháng 5 với nhiệt độ cao nhất từ 36 - 38 độ C.

Tại Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ký công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi triển khai công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024. Khẩn trương tổ chức nạo vét thông thoáng kênh mương, các hồ chứa nước, đập dâng bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, bảo đảm kịp thời tải nước phục vụ sản xuất hè thu 2024…

Có thể bạn quan tâm