Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Lúa được mùa, được giá

Vụ Đông Xuân 2023-2024, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa tiếp tục hỗ trợ giống lúa chất lượng cao TBR97 cho người dân gieo trồng theo mô hình cánh đồng một giống. Đây là giống lúa đã được đưa vào trồng khảo nghiệm tại địa phương và cho thấy khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Chị Ksor H’Hoai (buôn Tul, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) vui mừng cho biết: Giống lúa TBR97 sinh trưởng và phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch lại ngắn nên hạn chế được tình trạng thiếu nước vào cuối vụ. Đặc biệt, năng suất lúa TBR97 đạt khá cao, chất lượng gạo thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. “Với 5 sào lúa TBR97, gia đình tôi thu được 5 tấn, năng suất tăng 2-3 tạ/sào so với các giống lúa trước đây. Giá lúa đang dao động ở mức 9-11 ngàn đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với vụ trước. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 25 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay”-chị H’Hoai nhẩm tính.

Chị Ksor H'Hoai (buôn Tul, xã Ia Broăi) phấn khởi khi diện tích lúa của gia đình cho năng suất cao. Ảnh: Vũ Chi

Chị Ksor H'Hoai (buôn Tul, xã Ia Broăi) phấn khởi khi diện tích lúa của gia đình cho năng suất cao. Ảnh: Vũ Chi

Tại huyện Phú Thiện, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 chỉ còn gần 5.000 ha, giảm 1.700 ha so với năm trước. Tuy nhiên, lúa vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới chất lượng vào sản xuất, nguồn nước dồi dào từ đại công trình thủy lợi Ayun Hạ đã góp phần giúp người dân trên địa bàn có vụ Đông Xuân bội thu.

Ông Tống Văn Hiền-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) cho hay: “Nhờ áp dụng quy trình sản xuất ICM và IPM cùng với nguồn nước dồi dào, 7 sào lúa Đông Xuân của gia đình tôi thu được gần 10 tấn lúa tươi, năng suất cao hơn vụ trước 2-3 tạ/sào. Gia đình tôi lãi hơn 40 triệu đồng”.

Cũng theo ông Hiền, vụ Đông Xuân 2023-2024, Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi liên kết với bà con nông dân triển khai mô hình trồng giống lúa mới Đài Thơm 8 trên diện tích 150 ha với hơn 200 hộ tham gia. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất ICM, IPM để tiết kiệm lượng giống gieo sạ, phân bón, hạn chế thuốc trừ sâu mà năng suất, chất lượng lúa đều tăng lên. Hiện bà con đã thu hoạch được 50% diện tích với năng suất bình quân đạt 9-10 tấn/ha.

Ông Tống Văn Hiền (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) kiểm tra diện tích lúa Đài Thơm 8 của gia đình. Ảnh: N.D

Ông Tống Văn Hiền (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) kiểm tra diện tích lúa Đài Thơm 8 của gia đình. Ảnh: N.D

Theo ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện: Hầu hết các cánh đồng trên địa bàn đều sử dụng một số giống lúa mới như: nếp 97, Đài Thơm 8, ST25, TBR97. Bên cạnh năng suất đạt cao thì giá lúa, nếp thời điểm hiện tại tăng so với năm trước 1.500-2.000 đồng/kg tươi. “Nguyên nhân khiến giá lúa gạo tăng cao là do năm nay bà con đổ xô trồng khoai lang nên diện tích lúa giảm đáng kể dẫn đến nguồn cung sụt giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu lương thực trên thế giới tăng cao cũng đẩy giá lúa gạo tăng theo”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện nói.

Những năm gần đây, các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã giúp nông dân một số huyện như: Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa… phát triển mạnh cây lúa nước, hình thành những cánh đồng sản xuất lúa một giống chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-thông tin: Đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Ngoài năng suất tăng, việc giá lúa tăng cao khiến bà con nông dân rất phấn khởi.

Sử dụng các giống lúa chất lượng cao

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, vụ Đông Xuân 2023-2024, huyện hỗ trợ giống lúa mới và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đã phối hợp với một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty TNHH Cương Tân (tỉnh Đắk Lắk) triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người dân tại 2 xã Chư A Thai và Ia Yeng. Các mô hình này không chỉ giúp bà con tiếp cận giống lúa mới năng suất cao, thay thế các giống cũ đã thoái hóa mà còn góp phần khẳng định thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Nông dân huyện Phú Thiện phấn khởi vì lúa Đông Xuân được mùa, được giá. Ảnh: N.D

Nông dân huyện Phú Thiện phấn khởi vì lúa Đông Xuân được mùa, được giá. Ảnh: N.D

“Thời gian tới, bên cạnh nhân rộng các mô hình cánh đồng một giống mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện tiếp tục khảo nghiệm các giống lúa mới chất lượng cao. Từ đó, huyện lựa chọn đưa vào gieo trồng đại trà những giống lúa thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra cũng như từng bước khẳng định, phát triển thương hiệu “Gạo Phú Thiện”-ông Quý thông tin thêm.

Còn ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa thì cho biết: Hàng năm, huyện bố trí 5,4 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa kênh mương, trạm bơm điện; hỗ trợ giống lúa mới gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật và triển khai mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, ngoài việc duy trì mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Kim Tân, huyện nhân rộng mô hình ra 3 xã Ia Tul, Ia Mrơn, Chư Răng với diện tích 30 ha. Đây là cơ sở để huyện phát triển cánh đồng lúa lớn một giống, xây dựng các sản phẩm lúa gạo đạt chứng nhận OCOP, hướng đến phát triển thương hiệu gạo Ia Pa.

Nông dân huyện Ia Pa thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: V.C

Nông dân huyện Ia Pa thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: V.C

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Những năm qua, tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi cũng như hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều cánh đồng lúa nước lớn đã hình thành tại các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Đak Đoa, Ia Grai và Chư Prông. Đặc biệt, Sở đã mời các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao xây dựng mô hình sản xuất lúa thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại Krông Pa, Ayun Pa, Chư Prông, Ia Grai, Đak Đoa…

“Đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 300 ha lúa bị thiếu nước do sản xuất ngoài vùng tưới. Nhưng nhìn tổng thể vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, người trồng lúa trên địa bàn rất phấn khởi vì năng suất tăng cao, giá lúa cũng liên tục tăng. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương sử dụng giống lúa mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo các tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng, giá trị. Ngoài ra, Sở đang đề xuất phương án đầu tư hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi để nâng cao tỷ lệ tưới nước chủ động cho cây lúa. Cùng với đó, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm lúa gạo của địa phương, từng bước xây dựng, đưa thương hiệu gạo của tỉnh Gia Lai vươn xa”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm