Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời.
Mâm cúng ông Công ông Táo không cần quá cầu kỳ nhưng phải thể hiện được lòng thành kính của gia chủ.
Một mâm cúng ông Công ông Táo đầy đủ cần bao gồm các lễ vật và mâm cỗ.
Về lễ vật trong mâm cúng ông Công ông Táo, mỗi gia đình cần chuẩn bị: Mũ Táo quân, 2 mũ ông (2 cánh chuồn) và 1 mũ bà (không cần cánh chuồn). Về màu sắc, mũ và áo của ông Công ông Táo sẽ được thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
Để tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, nhiều gia đình ở miền Bắc thường cúng cả cá chép vàng sống, sau đó sẽ phóng sinh, đem ra sông thả để làm phương tiện đưa các Táo quân lên trời. Bên cạnh đó, nó cũng mang ngụ ý "cá chép hóa rồng".
Các gia đình ở miền Trung thường cúng ngựa giấy có đầy đủ yên cương, các gia đình miền Nam thường cúng cá chép giấy.
Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. Ảnh: TL |
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo sẽ bao gồm:
- 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng
- 1 con cá chép rán hoặc cá chép sống
- 1 bát canh mọc hoặc canh măng
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa giò
- 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
- 1 đĩa chè kho
- 1 đĩa hoa quả
- 1 ấm trà sen
- 3 chén rượu
- 1 quả bưởi
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 1 quả cau, lá trầu
- 1 lọ hoa đào nhỏ
- 1 lọ hoa cúc
- 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu gia đình nào có bàn thờ Táo quân (thường đặt ở bếp) thì thắp hương ở bàn thờ này. Nếu không có thì có thể cúng thắp hương tại bàn thờ thần linh, tổ tiên. Không nên cúng ở bếp vì bàn thờ là nơi giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần và thần linh.
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng ông Công ông Táo cần được thực hiện trước giờ các Táo quân bay về trời - tức trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.
Các gia đình có thể bắt đầu cúng ông Công ông Táo từ tối ngày 21 tháng Chạp đến trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.
Theo Phương Thảo (LĐO)