Bạn đọc

Cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày Tết chúng ta thường ăn uống các thực phẩm chế biến sẵn, có chất bảo quản, phụ gia, vì thế rất dễ bị ngộ độc thực phẩm, gây hại tới sức khỏe. Do đó, bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện đưa ra một vài khuyến cáo đối với người dân về cách xử trí kịp thời khi có biểu hiện ngộ độc.
 
Người bị ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện như: nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng… khiến cơ thể mệt mỏi, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

 

Người bị ngộ độc thực phẩm cần được cấp cứu, xử lý kịp thời, đúng cách. Ảnh: T.Đ
Người bị ngộ độc thực phẩm cần được cấp cứu, xử lý kịp thời, đúng cách. Ảnh: T.Đ

Theo bác sĩ Quang, nếu có các biểu hiện ngộ độc xảy ra sau khi ăn thức ăn thì cần làm cho người bị ngộ độc nôn ra hết thức ăn đã ăn vào bằng cách: Dùng lông gà ngoáy họng, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với 1 cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi dùng tay móc họng để kích thích gây nôn.

Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng cách gây nôn cần khéo léo, tránh làm xây xát họng. Phải để người bị ngộ độc nằm thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng giúp nôn thức ăn ra. Không để người nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong. Đối với trẻ em cần gây vừa nôn rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng trẻ.    

Khi người bệnh đã nôn được, nên để cho người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa một gói orezol (có bán ở các nhà thuốc) với nước hoặc pha nước muối đường cho người bệnh uống để bù và chống mất nước, đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể, giúp hạn chế tác hại mà độc tố mang lại. Tỷ lệ pha như sau: nếu là orezol pha một gói với một lít nước; nếu là nước muối đường pha 1/2 thìa cà phê muối, 4 thìa cà phê đường với một lít nước.

“Đối với bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, uống nhiều nước orezol là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và tốt nhất để giúp bù mất nước, cân bằng điện giải trong cơ thể, phòng chống sốc và trụy mạch vì bị mất nước do nôn ói, tiêu chảy nhiều”-bác sĩ Phạm Chí Quang nói.

Đối với trường hợp người bị ngộ độc đang hôn mê hoặc có biểu hiện hôn mê thì tuyệt đối không được gây nôn vì như thế sẽ có thể khiến thức ăn trào ra gây nghẹt thở, dẫn đến tử vong. Biện pháp tối ưu lúc này là nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, đối với các trường hợp ngộ độc xảy ra sau khi ăn phải thức ăn gây độc sau 6 giờ, lúc này do chất độc đã bị hấp thu một phần vào cơ thể nên cần người có chuyên môn xử trí bằng cách sau:

Dùng chất trung hòa: Nếu người bị ngộ độc do những chất axit thì có thể dùng những chất kiềm chủ yếu như: nước xà phòng 1%, nước magiê ôxit 4%, cứ cách 5 phút cho người bệnh uống 15 ml. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng thuốc muối để tránh hình thành CO2 làm thủng dạ dày đối với bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày. Nếu người bị ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch axit nhẹ như: dấm, nước quả chua…

Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày: Dùng bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo… để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.

Dùng chất kết tủa: Nếu bị ngộ độc kim loại (chì, thủy ngân…) có thể dùng lòng trắng trứng, sữa hoặc 4 -10g natri sunfat.

Dùng chất giải độc: Với người bị ngộ độc kim loại nặng, axit… có thể uống kết hợp với chất độc thành chất không độc như: Uống hỗn hợp than bột, magiê ôxit.

Bác sĩ Quang khuyến cáo: đối với tất cả trường hợp có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, sau khi xử trí đúng cách tại nhà, cần nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị phù hợp, kịp thời.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm