Tài xế không nên cố khởi động xe sau ngập nước, gọi cứu hộ đưa về xưởng, kỹ thuật viên sẽ đánh giá hư hại, đưa phương hướng sửa chữa.
Chiếc xe nằm "chịu trận" giữa đường khi nước ngập quá bánh xe vào sáng ngày 26/11 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Trời mưa bão, nước dâng cao trong nội thành khiến nhiều xe hơi bị ngập nặng. Nước không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ thống điện, làm bẩn nội thất, mà nghiêm trọng hơn gây hư hỏng động cơ khi xâm nhập vào buồng đốt, dẫn đến thủy kích.
Khi thấy ôtô bị chết máy do đi vào vùng ngập nước, tài xế tuyệt đối không cố gắng khởi động lại. Nếu có thể, hãy đẩy xe lên chỗ cao, tránh ảnh hưởng thêm nước vào nội thất, máy móc. Cuối cùng, gọi cứu hộ cẩu về xưởng sửa chữa.
Tại xưởng, các kỹ sư sẽ kiểm tra và đánh giá thiệt hại của xe sau ngập nước để đưa ra phương hướng sửa như máy có bị vào nước hay thủy kích không. Phần điện có bị ảnh hưởng không? Những chi tiết điện dễ bị ảnh hưởng nhất như các hộp điều khiển thân vỏ ECM, hộp điều khiển động cơ ECU... Thông thường, các hộp điều khiển này được bố trí ở tầm cao của xe nên ít ảnh hưởng. Nếu có thì xưởng sẽ có những tư vấn phục hồi hoặc thay thế.
Bên cạnh máy móc và hệ thống điện, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra nội thất có bị nước ngập vào ghế da, đệm mút, sàn nỉ. Nếu ngập mà không giặt sạch, sấy khô thì chỉ vài ngày là bốc mùi, vì toàn nước bẩn. Nếu không phải thay thế, tài xế sẽ chỉ phải trả tiền công sửa chữa.
Nếu phải thay thế nhiều đồ, chi phí sửa chữa có thể từ 10 triệu cho đến hàng trăm triệu, tùy phân hạng xe và tùy mức độ thiệt hại. Lưu ý, chi phí xử lý phần điện mà đặc biệt là thay thế các hộp điều khiển có nguy cơ cao nhất. Phần động cơ bị thủy kích dao động từ 20-70 triệu tùy xe, theo các chuyên gia kỹ thuật DC Car (Hà Nội).
Bảo hiểm có thể đền bù cho các hạng mục trên từ 50-100% tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng ký với bên bảo hiểm lúc mua bảo hiểm vật chất xe.
Minh Vũ (VNE)