Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Cải cách thủ tục hành chính ở Gia Lai theo công nghệ 4.0

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, điều hành là một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, điều hành nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động.



Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) là đầu mối liên quan đến quản lý ngân sách nhà nước; phối hợp để tập trung các nguồn thu, thực hiện kiểm soát các nguồn chi với chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước qua KBNN và các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Vì vậy, việc KBNN nhanh chóng triển khai dịch vụ công trực tuyến đồng bộ với các ngành, địa phương là đòi hỏi thiết yếu trong tình hình hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Quang-Chánh Văn phòng KBNN tỉnh-cho biết: Từ tháng 2-2018, KBNN tỉnh đã chủ động triển khai dịch vụ này đến các KBNN cấp huyện, thị xã, tiến tới triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh đối với đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch với hệ thống KBNN. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý ngân sách nhà nước, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí dưới mọi hình thức và có nguy cơ khó kiểm soát.

 Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đ.T
Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đ.T



“Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến giúp hạn chế các thủ tục hành chính “mặt đối mặt”, giảm thời gian đi lại, chi phí hoạt động cho các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, thông qua quy định của pháp luật, việc sử dụng dịch vụ công điện tử trong hệ thống KBNN sẽ chống được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị (được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiếm đoạt tiền vốn ngân sách nhà nước)”-ông Nguyễn Văn Phụng-Phó Giám đốc KBNN tỉnh-nhấn mạnh. Cũng theo ông Phụng, hiện nay, KBNN thị xã An Khê và KBNN thị xã Ayun Pa đã triển khai đến các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư mở tài khoản giao dịch tại 2 địa phương này để chủ động đăng ký rút tiền; kê khai và giao nhận hồ sơ kiểm soát chi; đăng ký sử dụng bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu con dấu, chữ ký tại KBNN. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ mới có 2 đơn vị triển khai các dịch vụ công trực tuyến với KBNN tỉnh gồm: Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông.

Công ty Điện lực Gia Lai cũng là một trong những đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào điều hành sản xuất kinh doanh. Ông Văn Đình Hậu-Giám đốc Công ty-cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, đơn vị đã thực hiện công nghệ sửa chữa nóng hotline với 377 lần, nhờ đó không gây mất điện cục bộ mà còn góp phần giảm SAIDI (chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối) toàn Công ty 304,82 phút/khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ này cũng giảm thời gian mất điện khi bảo trì, bảo dưỡng, đấu nối mới lưới điện, giảm được sản lượng điện thất thoát do cắt điện, ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện. Ngoài ra, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Công ty Điện lực Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, đơn vị đã triển khai công nghệ vệ sinh nóng trên lưới điện bằng nước áp lực cao; triển khai hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa tại 1.096 trạm biến áp công cộng với tổng số 208.172 khách hàng, chiếm 53% số khách hàng mua điện trên toàn tỉnh. Với hệ thống này, nhân viên ghi chỉ số không cần đến hiện trường tại công tơ khách hàng mà vẫn có thể theo dõi số liệu hàng giờ trên máy tính hoặc các thiết bị di động có kết nối internet. Đặc biệt, Trung tâm điều khiển với Hệ thống quản lý thu nhập dữ liệu, giám sát và điều khiển từ xa SCADA/DMS (điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) đang quản lý 122 điểm nút trên lưới trung áp, bao gồm các xuất tuyến trung áp của 3 trạm 110 kV. “Hệ thống DMS (hệ thống quản lý phân phối) đem lại lợi ích là tất cả thiết bị trên lưới điện được hiển thị trên nền bản đồ số qua phần mềm DMS 600 của ABB ở trung tâm, qua đó biết chính xác vị trí bị sự cố mất điện, từ đó điều độ viên đưa ra phương án vận hành cấp điện lại cho khu vực mất điện một cách nhanh chóng, chính xác và cô lập vị trí sự cố nhanh chóng”-ông Văn Đình Hậu nhấn mạnh.

Tương tự, Vietinbank đã tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Gia Lai. Theo ông Đặng Quốc Thịnh-Phó Giám đốc Vietinbank Gia Lai, thanh toán trực tuyến là một sản phẩm thể hiện thế mạnh nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Vietinbank là ngân hàng duy nhất cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến cho dịch vụ công. Một ưu điểm của giải pháp thanh toán này là người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bất kỳ tài khoản ngân hàng nào để thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trên địa bàn tỉnh và nhận kết quả xử lý hồ sơ tại nhà mà không cần phải đến Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh.

Nhìn chung, hiện nay, hầu hết các sở, ngành thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đủ điều kiện đều không tiếp nhận hồ sơ giấy trực tiếp. Điều này khẳng định, những ứng dụng khoa học công nghệ đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý. Chia sẻ về ý nghĩa đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lê Đức Chung-Giám đốc Viettel Gia Lai-cho biết: “Ứng dụng công nghệ 4.0 là xu thế tất yếu. Việc ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa sẽ nâng cao hiệu suất nền kinh tế. Viettel-đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng này-cũng mong muốn đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương”.

Lê Văn Nhung
 

Có thể bạn quan tâm