Thời sự - Bình luận

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm.

Đây cũng là tinh thần mà các đại biểu Quốc hội đang rất quan tâm, tập trung thảo luận, đề cao và mong muốn Chính phủ thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong thời gian tới, nhằm phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Nhìn lại đột phá về hạ tầng thời gian qua, chúng ta thấy, dù còn câu chuyện của giải ngân đầu tư chậm, nhưng đầu tư công với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đường cao tốc Bắc - Nam đã được hoàn thành nhanh và sớm, đưa vào sử dụng những đoạn đường huyết mạch.

Cùng với đó, đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có thời gian hoàn thành sớm kỷ lục, đạt hiệu quả cao, góp phần chống lãng phí rất lớn. Việc này, theo nhiều đại biểu Quốc hội, là từ trước đến nay chưa làm được, vì đã có những đoạn đường làm đến mấy nhiệm kỳ cũng không xong. Giờ đây, với tư duy mới, cách làm mới, chúng ta hoàn toàn có thể đạt những thành quả to lớn trong thời gian ngắn.

Nhìn rộng ra, còn rất nhiều lĩnh vực, nhiều “cái mới mà hay” cần được Chính phủ sớm trình với Quốc hội xem xét có cơ chế, chính sách triển khai, tạo điều kiện để khai thác các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế như việc nghiên cứu những lĩnh vực mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính, thử nghiệm có kiểm soát gắn với đổi mới sáng tạo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học (vốn đang được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới về kinh tế - xã hội cho Việt Nam); phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; tiếp tục công cuộc chuyển đổi số; đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, dẫn dắt, lan tỏa như như sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao và các dự án điện sạch…

Tại kỳ họp này của Quốc hội, có lẽ một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận, đó là “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó các luật về đầu tư có nhiều điểm mới, đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới, bao gồm cả trọng tâm phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.

Hay việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, đây chính là sự đổi mới công tác lập pháp theo hướng vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để phát triển, quyết tâm từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, là mình chứng cho thấy cái gì hay thì phải làm.

Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá rất cao tinh thần này và người dân, doanh nghiệp đều đang rất kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới”.

Theo LÂM NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm