Du lịch

Cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Du lịch Gia Lai được kỳ vọng sẽ có bước đột phá, hướng tới mục tiêu đón 600 ngàn lượt khách, doanh thu 300 tỷ đồng trong năm 2018. Ngoài những điểm đến hấp dẫn, chất lượng dịch vụ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch phát triển bền vững.

Chuyên nghiệp từ cơ sở lưu trú...

Trong chuỗi các loại hình dịch vụ du lịch, lưu trú chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 81 khách sạn với 2.095 buồng. Trong số này có 52 khách sạn hạng 1-4 sao (chiếm 64,2%). Tuy nhiên, số khách sạn 3-4 sao mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các cơ sở lưu trú của tỉnh được đánh giá phát triển khá chậm so với tốc độ phát triển du lịch của địa phương. So với Đak Lak, số cơ sở lưu trú của ta chỉ bằng phân nửa (tính đến cuối năm 2017, Đak Lak có 199 khách sạn với tổng số 4.305 buồng, phục vụ khoảng 700 ngàn lượt khách). Như vậy, nếu mục tiêu đón 600 ngàn lượt khách trong năm 2018 thành hiện thực, các cơ sở lưu trú của tỉnh không chỉ cần được nâng lên về số lượng mà chất lượng dịch vụ cũng cần được đầu tư xứng tầm.

 

Quán Nhà Tôi (439 Ngô Quyền, TP. Pleiku), một trong 8 cơ sở kinh doanh ẩm thực được gắn biển đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch. Ảnh: internet
Quán Nhà Tôi (439 Ngô Quyền, TP. Pleiku), một trong 8 cơ sở kinh doanh ẩm thực được gắn biển đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch. Ảnh: internet

Cùng với việc vận động các cơ sở lưu trú thực hiện đúng quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh, Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra 40 cơ sở lưu trú du lịch trong năm 2017; nhắc nhở, chấn chỉnh một số cơ sở vi phạm. Ngành du lịch cũng đã có một số hoạt động hỗ trợ cho các cơ sở này nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ. Trong đó, đã tổ chức 2 khóa đào tạo quản lý khách sạn, 1 khóa đào tạo lễ tân cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Riêng các cuộc thi nghiệp vụ buồng, lễ tân, quản lý giữa các khách sạn để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, tính chuyên nghiệp được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp vẫn chưa nhiệt tình tham gia, quanh đi quẩn lại chỉ có một số khách sạn lớn trên địa bàn như: Hoàng Anh Gia Lai, Tre Xanh, Pleiku, Hoàn Vũ...

“Mỗi lần tổ chức khóa đào tạo nhân lực cho các cơ sở lưu trú, chúng tôi phải gửi công văn, đốc thúc thì các khách sạn mới cử người tham gia. Tương tự, đối với các cuộc thi, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn, năm nào cũng phải điểm mặt đặt tên thì một số khách sạn tham gia mà không thấy xuất hiện “gương mặt” mới nào. Đã đến lúc, các cơ sở lưu trú cần nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của mảng dịch vụ này trong phát triển du lịch. Nhiều khách sạn đầu tư cơ sở vật chất tốt, con người được đào tạo bài bản với tay nghề, chuyên môn giỏi, nhưng như vậy không có nghĩa là chất lượng dịch vụ đã tốt. Yếu tố quan trọng còn đến từ thái độ phục vụ chu đáo, thân thiện của nhân viên và tính chuyên nghiệp của tất cả các bộ phận. Doanh nghiệp phải nâng cao ý thức về điều này, phải có tham vọng tạo ra thương hiệu riêng. Điều này không chỉ làm lợi cho chính bản thân họ mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của ngành du lịch”-ông Hoàng nhận định.

...Đến cơ sở ẩm thực đạt chuẩn

Để phát triển du lịch, ẩm thực là một phần không thể tách rời trong danh mục sản phẩm kết hợp của điểm đến. Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết: “Hiện nay, mô hình kinh doanh dịch vụ nhà hàng áp dụng phương pháp tiếp cận quản lý “du lịch có trách nhiệm” ngày càng phổ biến. Du lịch Gia Lai muốn phát triển không thể tách rời xu hướng này. Do đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đáp ứng đủ điều kiện để công nhận, cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là việc làm hết sức quan trọng”. Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã công bố một số điểm ẩm thực đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch nhằm khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ đưa ra những sản phẩm tốt nhất như: quán Nhà Tôi, phở khô Hồng, cơm gà Mỹ Tâm 2, quán gà nướng Plei Tiêng, Vương Cát-Coffee & Tea, Huế Xưa-Coffee & Tea, làng nướng Hồ Diên Hồng, nhà hàng Thiên Đường Xanh.

Ông Thành cho biết thêm, việc cấp biển hiệu cho các cơ sở ẩm thực đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cho thấy hiệu quả của vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ cho “ngành công nghiệp không khói”. Đây không chỉ là vinh dự của cơ sở, mà còn nhắc nhở doanh nghiệp không ngừng nâng cao trách nhiệm trong kinh doanh. “Có trách nhiệm đồng nghĩa với việc mang lại giá trị cho khách hàng bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức trong quá trình chế biến và cung cấp sản phẩm cũng như duy trì tính bền vững trong hoạt động kinh doanh dịch vụ”-ông Thành nói.

Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 8 cơ sở kinh doanh ẩm thực được gắn biển đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch, chủ yếu trên địa bàn TP. Pleiku. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ, bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn các cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ để có thêm nhiều cơ sở đạt chuẩn phục vụ du khách, góp phần phát triển ngành du lịch.

Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm