Kinh tế

Nông nghiệp

Cải thiện thu nhập nhờ nuôi dê tại Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Glar (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã chọn chăn nuôi dê là hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Bước đầu, nghề chăn nuôi dê đã cho thấy hiệu quả, giúp nhiều hộ cải thiện thu nhập.
Gia đình chị Alor Như Loan (làng Dôr 2) trước đây chỉ trông vào 5 sào cà phê nên cuộc sống khá khó khăn. Để cải thiện thu nhập, năm 2015, chị quyết định đầu tư chăn nuôi dê. Chị lặn lội sang tận Đak Lak mua 5 con dê cỏ (4 dê mẹ và 1 dê đực) về nuôi, đồng thời tìm mua giống cỏ tốt nhất về trồng xen vào vườn cà phê để làm thức ăn cho dê. Chị Loan cho biết, dê là động vật ăn tạp nên việc kiếm thức ăn cho chúng không khó. Người nuôi có thể tận dụng thức ăn có sẵn như lá gòn, lá keo dầu, lá mít, lá xoan hay trồng cỏ, khoai lang cho dê ăn. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư chăn nuôi ít, dê lại mắn đẻ nên nhanh có lãi. “Sau 4 năm nuôi, đàn dê của gia đình tôi đã tăng thêm 64 con. Tôi đã bán 63 con (bao gồm cả dê thịt và dê giống), thu được hơn 100 triệu đồng. Hiện gia đình tôi vẫn còn 6 con dê để làm giống. Gia đình đang dự định sẽ trồng thêm khoai lang để chủ động thức ăn nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi”-chị Loan cho hay.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Glar (huyện Đak Đoa) đã cải thiện thu nhập nhờ chăn nuôi dê. Ảnh: H.T
Nhận thấy chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, năm 2016, gia đình anh A Lâm (cùng làng) cũng đã bỏ ra 7,5 triệu đồng để mua 5 con dê cỏ về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên 75 con. Ngoài để lại 10 con dê khỏe nhất làm giống, anh đem bán số còn lại, thu về gần 130 triệu đồng. Từ số tiền này, anh đầu tư trồng hơn 200 trụ hồ tiêu vào vườn cà phê đã già cỗi. Anh A Lâm chia sẻ: Dê hay mắc bệnh tiêu chảy, loét miệng truyền nhiễm, chướng bụng đầy hơi và ký sinh trùng. Tuy nhiên, nếu đảm bảo thức ăn tươi mới, không bị ôi thiu hay quá cứng, chuồng nuôi luôn khô ráo thì dê rất ít khi bị bệnh. Dê lại nhanh sinh sản và bán khá được giá (giá dê thịt 120 ngàn đồng/kg) nên cho lãi cao. Vì vậy, gia đình đang dự định sẽ mở rộng chăn nuôi dê. Anh cũng mong Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi để có điều kiện phát triển chăn nuôi, cải thiện thu nhập.
Theo anh Mlây-Chi hội trưởng chi hội Nông dân làng Dôr 2, mỗi năm, dê mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Chỉ sau 5 tháng nuôi, dê đã đạt trọng lượng 25-30 kg/con. Bán với giá trung bình 120.000 đồng/kg sẽ thu được trên 3 triệu đồng/con. “Đến nay, làng có 7 hộ nuôi dê. Hầu hết các hộ đều đánh giá là nuôi dê cho lãi cao. Họ cũng đang có ý định mở rộng chăn nuôi dê nên rất mong Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi”-anh Mlây cho hay.
Ngoài làng Dôr 2, hiện nay, nhiều hộ dân ở các làng khác trên địa bàn xã Glar cũng đang chọn chăn nuôi dê làm hướng đi mới để cải thiện thu nhập. Chị Nhêm-Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar-cho biết: Người dân trong xã bắt đầu chú trọng chăn nuôi dê từ năm 2015. Đến nay, toàn xã có hơn 20 hộ chăn nuôi dê với số lượng 6-10 con dê mẹ/hộ. Qua khảo sát của Hội, tuy chăn nuôi dê là nghề phụ nhưng cho lãi cao hơn so với nuôi bò hay trồng cà phê. Đặc biệt, ngoài việc có thêm thu nhập từ bán dê, người dân còn có nguồn phân để bón cho cây trồng. “Ngoài các hộ đang chăn nuôi dê có dự định mở rộng quy mô thì trên địa bàn xã hiện có nhiều hộ nghèo cũng mong muốn chăn nuôi dê để cải thiện thu nhập nhưng còn gặp khó về nguồn vốn. Vì vậy, Hội Nông dân xã đã lập danh sách và đang đề nghị Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương hỗ trợ vốn để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển chăn nuôi dê. Hội mong các cấp Hội và Nhà nước giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ giống cỏ và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho dê; đồng thời, chuyển đổi việc tặng bò theo chương trình nông thôn mới cho hộ nghèo sang tặng dê để phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi, giúp người dân nhanh có thu nhập để thoát nghèo”-Chủ tịch Hội Nông dân xã nêu nguyện vọng.
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm