Bạn đọc

"Cảm hứng bao cấp"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sự hoài niệm đã trở thành một phần không thể thiếu vắng trong cuộc sống mỗi người. Quay về với ký ức chính là cách giúp con người đối diện với chính mình để kiếm tìm sự tĩnh tại. Nắm bắt tâm lý ấy, nhiều quán xá đã lấy cảm hứng kinh doanh từ không gian xưa, nhạc xưa, nổi bật trong số đó có “cảm hứng bao cấp”.
1. Thời bao cấp là cụm từ chỉ thời kỳ cả nước thực hiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp với những câu chuyện, dư âm khó quên. Khó khổ đã qua nhưng đến giờ vẫn gợi bao xúc cảm mỗi khi nhắc nhớ.
Dành một phần không gian đậm chất hoài niệm để tái hiện căn phòng khách thời bao cấp, quán cà phê Trừ (22 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) thu hút một lượng khách trung niên lẫn các bạn trẻ khi vừa ra mắt vào tháng 5-2021. Đó là một không gian được chăm chút kỹ lưỡng, tinh tế với nền gạch bông; trên kệ, chiếc ti vi đen trắng bày cạnh radio, điện thoại quay tay, quạt cóc, gần đó là máy may và bộ bàn ghế salon. Chiếc xe đạp cũ dựng tựa khung cửa che rèm vải hoa. Trên tường là bộ tranh tứ quý tùng-cúc-trúc-mai. Thời ấy, chỉ các gia đình khá giả mới có khả năng sở hữu những vật dụng tưởng chừng hết sức bình thường này. Bước vào cửa, gặp ngay “căn phòng khách” đặc biệt, khách không khỏi bồi hồi nhớ về một thời đã qua.
Căn phòng khách thời bao cấp được tái hiện trong không gian quán cà phê Trừ (22 Phan Đình Giót, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Căn phòng khách thời bao cấp được tái hiện trong không gian quán cà phê Trừ (22 Phan Đình Giót, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Anh Trần Anh Tuấn-chủ quán-cho hay: Là người sinh ra trong thời kỳ giao thoa giữa bao cấp và đổi mới, anh muốn dựng lại một không gian có đủ sự yên tĩnh để làm nơi thư giãn, tĩnh tâm dành cho những người đang bị cuốn vào áp lực của cuộc sống hiện đại. Đó cũng là ý nghĩa cái tên “Trừ” của quán với mong muốn “Trừ đi phiền muộn, nhận vào yêu thương”. Anh Tuấn giãi bày: “Tôi muốn mang đến cho khách một không gian để trở về với chính mình, với ký ức. Khách đến đây lứa trung niên cũng có, khách trẻ cũng nhiều. Đừng nghĩ là giới trẻ chỉ bị thu hút bởi cái mới. Họ cũng muốn tìm hiểu về không gian mà ông bà, cha mẹ mình ngày xưa từng sinh sống như thế nào”. 
Thường chọn một góc nhỏ ở quán để làm việc, bạn trẻ Đỗ Công Danh (184/104 Âu Cơ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mình từng tìm hiểu những câu chuyện thời bao cấp, thích quay về với những điều cũ xưa nên vật dụng trưng bày tại đây dường như đã chạm đến cảm xúc của mình. Quán cũng hay hay khi lấy cảm hứng thời bao cấp nhưng vẫn có chút bản sắc Tây Nguyên”. 
2. Một trong những điểm đến hút khách với giai đoạn lịch sử khó quên này là quán Cơm Độn (05 Wừu, TP. Pleiku). Không gian quán được trang trí mộc mạc với liếp tre, mái tranh, quang gánh và một số dụng cụ lao động. Bàn ghế tre, chén dĩa đơn sơ mô phỏng hoa văn không khác gì thời bao cấp. Quán mở từ hơn nửa năm nay nhằm giúp khách ôn lại ký ức một thời gian khó cùng cơm độn khoai, bắp. 
Tất nhiên món cơm độn giờ đây được chăm chút tỉ mẩn, cơm nấu bằng gạo dẻo độn khoai bùi, bắp nếp chứ không kham khổ như xưa, song phần nào tái hiện cái không khí của một bữa ăn thời bao cấp. Thức ăn đi kèm bày trên chiếc mẹt tre gồm: thịt kho, cá cơm rang, rau luộc, mướp xào, rau sống kèm cà pháo, canh chua và chuối tráng miệng. Mỗi món một ít, đơn sơ nhưng hấp dẫn. Bữa cơm thể hiện cách thức chế biến thức ăn thời bao cấp, đó là tận dụng mọi thực phẩm dân dã có được, thêm những gia vị vườn nhà. Chút bâng khuâng, hoài nhớ chợt ùa đến khi nâng trên tay chén cơm độn với những thức món giản dị, mặn mà. 
Bữa cơm thời bao cấp tại quán Cơm Độn (05 Wừu, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Bữa cơm thời bao cấp tại quán Cơm Độn (05 Wừu, TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên
Đáng ngạc nhiên là giá của bữa ăn dành cho 2 người ở đây chỉ 50 ngàn đồng. Anh Lê Ngọc Hoàng-quản lý quán Cơm Độn-cho biết: “Quán có phục vụ mẹt lớn hơn dành cho nhiều người ăn, giá 100 ngàn đồng. Với mức giá này, quán muốn hướng đến tầng lớp bình dân hoặc dân văn phòng ít có thời gian nấu nướng. Cũng có khách cắm cơm sẵn rồi mua thức ăn ở quán về cho tiện”.
Hài lòng với chất lượng thức món tại quán, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (52 Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku) nhận xét: “Tôi thường ăn ở đây vì không gian thoáng mát, giá rẻ, lại hợp với dân văn phòng. Cách nấu các món ăn như ở nhà. Đến đây, tôi hiểu thêm về một thời bao cấp nhiều khó khăn. Tất nhiên là cơm bây giờ ngon hơn ngày xưa rồi”.
Trong những không gian kể trên dĩ nhiên vẫn còn một số chi tiết chưa “tới”, chưa được tái hiện đầy đủ để thỏa mãn mong ước hòa mình trọn vẹn vào cái thời bao cấp của những người từng trải qua. Dù vậy, khi tìm về những hoài niệm xưa cũ ấy, ta được thêm một lần ngoái nhìn, không phải để phán xét mà để biết yêu thương và trân trọng hơn những gì đang có. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm