Thể thao

Cảm hứng từ những môn thể thao mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tại Olympic Paris 2024 diễn ra tại Pháp có nhiều môn thể thao mới được đưa vào chương trình thi đấu chính thức.

Mới ở đây không chỉ là lần đầu tiên xuất hiện tại Thế vận hội, mà còn là các môn thể thao có “tuổi đời” chưa đến 2 thập niên, hiện phổ biến trong giới trẻ, mang đậm hơi thở thời đại như môn nhảy đường phố break-dance, xe đạp BMX, trượt ván, leo tường tốc độ…

Trong tương lai gần, việc Olympic tổ chức thi đấu các môn như Esports, nhảy parkour hay các môn bóng “lai” hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở Việt Nam, tranh thủ những ngày hè, nhiều bạn trẻ ở các thành phố lớn không chỉ chơi bóng đá, bóng rổ, bơi lội... mà có thêm những lựa chọn mới lạ, thậm chí chưa có tên tiếng Việt. Chẳng hạn, pickleball là môn “lai” giữa bóng bàn - quần vợt - cầu lông, tương tự như “bóng mềm”, rất dễ tìm chỗ chơi cũng như không yêu cầu quá đông người tham gia. Hoặc như Teqball là môn “lai” giữa bóng bàn - bóng đá, chỉ cần một chiếc bàn được thiết kế uốn cong đặc biệt là đủ.

Với môn breakdance, đó là sự kết hợp giữa aerobic và khiêu vũ đường phố… Sự ra đời cũng như phát triển các môn chơi này đáp ứng các nhu cầu mới của cuộc sống đô thị, đặc biệt là sau Covid-19, vì giải quyết hàng loạt vấn đề như không đòi hỏi không gian rộng, ít người cũng chơi được, luật lệ và kỹ thuật đơn giản, gần gũi với nhiều môn chơi đã từng phổ biến. Theo dự báo, những môn thể thao “lai” này sẽ phát triển rất nhanh vì phù hợp với thể chất của người Việt. Không ngạc nhiên khi phong trào pickleball đang rộ lên với hơn 50 câu lạc bộ khắp cả nước.

Sự phù hợp từ điều kiện vật chất đến yếu tố thể trạng người Việt của các môn thể thao này tạo ra đời sống lâu bền, qua đó hình thành nên một thế hệ vận động viên chuyên nghiệp trong tương lai nếu được đầu tư đúng hướng. Hơn nữa, đây là những môn mới, xuất phát điểm của chúng ta không kém thế giới, nên nếu có chiến lược phát triển hợp lý thì thể thao Việt Nam sẽ có thêm những môn thi đấu có khả năng cạnh tranh đỉnh cao mà không bị tụt hậu hay thua kém nhiều mặt như những môn truyền thống cơ bản.

Trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang đối diện với các thách thức lớn về việc duy trì bề rộng cho phong trào hoạt động thể chất, vừa phải dồn lực đầu tư cho các môn đỉnh cao rất tốn kém, thì sự xuất hiện và lan tỏa một cách tự nhiên của các môn thể thao mới thông qua công tác xã hội hóa sẽ là một gợi ý đáng giá. Thể thao Việt Nam đang cần một luồng gió mới mẻ trong cách tiếp cận với công chúng, đặc biệt là giới trẻ và sứ mệnh đó dường như đang được chính những môn thể thao mới này thực hiện. Trên nền tảng đó, các nhà quản lý thể thao cũng dễ dàng hơn khi áp dụng những tư duy mới về đào tạo, đầu tư hay thu hút nguồn lực xã hội.

Theo ĐĂNG LINH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm