Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cảm thức một loài hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1.Ai đi qua cung đường Gia Lai-Kon Tum, nếu chú tâm để ý, sẽ thấy nó. Nó đứng đấy, gần ngay cổng chào phía Bắc TP. Pleiku, đơn độc, lẻ loi bên đường dễ đến mấy chục năm nay. Nó lớn lên trong lặng lẽ, mỗi ngày thêm trầm tư tỏa bóng, nhìn dòng người xe ngược xuôi trên quốc lộ 14. Nó là cây hoa gạo.
Thật ra, cây gạo có hơn một tên gọi. Người Tây Nguyên gọi là cây pơ lang, cái tên yêu kiều bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu chung thủy của một đôi trai gái người dân tộc thiểu số miền sơn dã. Thời chống Mỹ còn có một bài hát mang tên “Em là hoa Pơ Lang” ca ngợi vẻ đẹp của hoa, của người trên mảnh đất nắng gió này. Một số nơi ở miền Bắc thì gọi gạo là mộc miên-cái tên Hán Việt khá mỹ miều. Nhưng có lẽ, chẳng có cái tên nào hợp với gạo hơn là... gạo. Bình dị, mộc mạc, hiền lành.
Không ai trồng cây gạo trong vườn, vì lẽ dân gian quan niệm: thần cây đa, ma cây gạo. Người ta tin rằng những linh hồn lang thang, cơ nhỡ thường tìm đến trú ngụ quanh gốc gạo. Bởi vậy, gạo cô đơn ngoài đồng, chơ vơ ngoài bãi, lẻ loi trên núi... Và, cũng chỉ ở những nơi ấy, gạo mới được sinh tồn, đời cây mới được yên ổn.
Chẳng mấy ai nhớ đến, nhận ra sự tồn tại của cây gạo, trừ khi nó trổ hoa hoặc đậu quả thả bông. Mỗi năm, vào độ giáp Tết hoặc ra Giêng, khi lá trên cành đã rụng gần hết, gạo bắt đầu nở hoa. Cánh hoa to dày, rực lên trong mưa nắng tháng ba. Không phải một hai hoa mà chi chít hoa, từ đầu cành đến cuối cành, tự mình cháy lên màu hoa mê hoặc. Càng lẻ loi hoa gạo càng thắm lại, cái màu đỏ nhưng nhức, nhắc cho người ta biết đến sự tồn tại của nó.
2. Tôi vốn cũng là một kẻ vô tình, với gạo. Ngày còn nhỏ, sống ở quê, lớn lên cùng cây gạo ngoài đầu ngõ nhưng tôi không mấy để tâm đến sự tồn tại của nó. Trong những trò chơi tuổi thơ tôi không có bóng dáng cây gạo. Anh em tôi chơi đuổi bắt, cướp cột vòng quanh mấy lùm cây dại, tuyệt không đứa nào xớ rớ đến bên gốc gạo. Cũng vì gần đó, người ta đào một cái hố nung vôi. Người lớn cấm, không cho chúng tôi bén mảng đến gần, nên cả khi hồ vôi đã nguội, người ta đã múc gần hết vôi đi rồi chúng tôi cũng ít lai vãng.
Hoa gạo. Ảnh: K.N.B
Hoa gạo. Ảnh: K.N.B
Gốc gạo cứ lặng lẽ đứng đó, bên hồ vôi khi cạn khi đầy. Với đứa trẻ như tôi, ký ức còn lại về cây gạo đầu ngõ là những sớm mai nghe chào mào, sáo sậu, chích chòe nhảy nhót hót ríu ran trên những đài lửa tí hon mùa hoa nở. Và những bông hoa rụng xuống hồ vôi trắng xóa, cánh hoa to dày, cắm vào lớp vôi mềm nhão, đỏ thẫm như máu. Dưới những trận mưa rào tháng ba, hoa gạo bị xéo nát cùng những bước chân qua lại trên đường.
Cảnh ấy giờ nhớ lại thấy buồn thương nhưng thuở còn nhỏ dại hồn nhiên, tôi đã vô tâm, không nghĩ suy gì.
3. Tôi xa quê, mải mê học hành, theo đuổi con đường chữ nghĩa. Những mùa hoa gạo không còn nhưng văn chương đã mở ra cho tôi cảm thức mới về loài hoa đã nở tàn trong lặng lẽ suốt miền thơ ấu.
Người ta thường có xu hướng hoài tưởng những gì xưa cũ, nhất là khi cái xưa cũ ấy đã trôi xa, đã tuột khỏi tầm tay không thể nào níu kéo hay lấy lại được. Trong hồi ức xa xôi của tôi có những mùa hoa gạo một đi không trở lại. Không phải sắc hoa, tiếng chim hay những cơn mưa mà nỗi buồn thương mới là cái hiện hữu rõ rệt và dai dẳng nhất.
Cây vẫn cứ sống đời cây, tận độ, hết mình. Hoa cứ nhưng nhức đỏ, cứ nhẫn nại tươi thắm, nhẫn nại rực rỡ rồi tàn rụng theo quy luật sinh trưởng mỗi mùa. Nhờ hoa gạo, ta biết thương những phận người. Qua những phận người, ta càng thương hơn những bông hoa gạo đỏ…
HÀ HOÀI PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm