Kinh tế

Doanh nghiệp

Campuchia tha thiết mời gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Campuchia có quỹ đất rộng với nhiều khu vực lên đến 20-30 nghìn ha và có nhu cầu lớn về hợp tác, đầu tư lâu dài trong lĩnh vực thủy sản, chế biến nông nghiệp. Đây là điều thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam chọn đầu tư vào Campuchia .
 
Hội thảo "Hợp tác Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh mới của ASEAN" - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Ông Oknha Leng Rithy - Cố vấn cao cấp Phó thủ tướng Vương quốc Campuchia - nhấn mạnh tại hội thảo "Hợp tác Việt Nam - Campuchia trong bối cảnh mới của ASEAN" diễn ra ngày 22-11 do Câu lạc bộ doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM (TGB) phối hợp với Công ty TNHH Tư Vấn Việt Nam (VCG) tổ chức.
Theo ông Oknha Leng Rithy, Việt Nam có thế mạnh kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nhưng quỹ đất không nhiều, không có những vùng đất rộng. Đặc biệt, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có những thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm là những lĩnh vực mà Campuchia mong muốn hợp tác, đầu tư lâu dài.
Trong khi đó, ông Sok Dareth - Tổng lãnh sự Vương quốc Campuchia tại TPHCM - cho biết, nhằm chuẩn bị đáp ứng vận chuyển qua lại biên giới đang tăng lên sau khi dự án đường cao tốc kết nối TP.HCM và thủ đô Phnom Penh giao nhau tại cửa khẩu Bavet - Mộc Bài, Chính phủ Hoàng gia Campuchia nghiên cứu về tiềm lực trong việc kết nối đường sắt từ thủ đô Phnom Penh - TP.HCM nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc vận chuyển, sự cạnh tranh thông qua việc cắt giảm chi phí vận tải và logistics.
“Chúng tôi kính mời các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Việt Nam sang tìm hiểu đầu tư kinh doanh nhiều hơn nữa trên các lĩnh vực. Đặc biệt như nông nghiệp, du lịch, vận tải và logistics, xây dựng, vật liệu xây dựng, giáo dục, và đào tạo kỹ thuật nghề nghiệp vốn là lĩnh vực đầy tiềm năng tại Campuchia. 
Các doanh nghiệp Việt có thể quyết định đầu tư vốn hoặc kết hợp đầu tư chung với các doanh nghiệp Campuchia, nhằm tranh thủ lợi ích tối đa từ mối quan hệ hợp tác song phương”, ông Sok Dareth khẳng định.
Theo ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, Việt Nam đang đứng thứ 3 các nước đầu tư nhiều nhất vào Campuchia. Do đó, hiện nay hàng tiêu dùng Việt Nam được người dân Campuchia tin tưởng, đủ sức cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc.
Tuy vậy, theo ông Lam, dư địa cho đầu tư chế biến, nông sản tại Campuchia rất lớn. Nhu cầu lương thực phẩm tại quốc gia có nhiều loại đang thiếu hụt là điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam nếu chọn Campuchia.
Đồng quan điểm đó, ông Từ Minh Thiện - phó ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM - cho rằng, phương thức hai bên hợp tác sản xuất để xuất khẩu sang nước thứ 3 là gợi ý hay. 
"Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ chế biến sâu. Trong khi đó, Campuchia có đất rộng, khu vực thuận lợi để sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ", ông Thiện nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Thiện, cần nghiên cứu phát triển mô hình "Chợ biên giới" giữa hai nước để thuận lợi cho việc đưa hàng qua lại, tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Theo hội nghị, TP.HCM với vị thế dẫn dắt nền kinh tế phía Nam sẽ kết nối mạnh mẽ hơn hợp tác giữa khu vực này và Campuchia, giúp xúc tiến nhanh hơn các dự án hợp tác tất cả các ngành kinh doanh từ truyền thống như nhà yến, đến công nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghệ…
Tăng thêm số lượng ôtô qua lại các cửa khẩu
Theo ông SokDareth, trong khuôn khổ hợp tác thương vận tải đường bộ và logistics hai nước thống nhất cho phép 500 chiếc ôtô qua lại tại chín cửa khẩu. Hai nước đang thảo luận để tăng lượng ôtô qua lại cũng như số lượng cửa khẩu…

Tính đến tháng 9-2019, vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia gần 3 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia liên tục tăng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, hạ tầng, bảo hiểm, dịch vụ và bán buôn bán lẻ.

Nguyễn Trí (TTO)

Có thể bạn quan tâm