Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

“Cán bộ, đảng viên phải giữ tính kỷ luật, tính tổ chức”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”; rằng “Kỷ luật nghiêm, để đảm bảo cho tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân”. Chính vai trò tiên phong và trách nhiệm chính trị của Đảng đối với dân tộc nên đòi hỏi Đảng phải có kỷ luật thống nhất. Trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Nam Định (24-4-1957), Người khái quát “Tất cả cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) phải giữ tính kỷ luật, tính tổ chức. Nhớ rằng không có việc gì làm ngoài tổ chức, ngoài kỷ luật mà thành công”.

Ảnh: Đức Thanh
Ảnh: Đức Thanh
Về bản chất kỷ luật của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rất rõ, thể hiện tính nghiêm minh và tự giác cao “Về kỷ luật, Đảng Lao động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác”. Tính chất kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”. Không chỉ dừng lại ở tính nghiêm minh mà Người còn đề cập đến tính khách quan, công bằng để tạo dựng phong trào thi đua giữa các tổ chức và cá nhân với nhau, Người yêu cầu: “Nơi nào có thành tích thì khen thưởng, nơi nào còn phạm những khuyết điểm trên, cần phải thi hành kỷ luật. Tự giác là đặc trưng cơ bản của kỷ luật Đảng. Vì vậy đi đôi với tự giác còn có bắt buộc. Bắt buộc là tất yếu đối với mọi thứ kỷ luật. Nhưng sự bắt buộc trong kỷ luật của Đảng được xây dựng trên cơ sở giác ngộ chính trị, giác ngộ giai cấp của mọi đảng viên”.

Quan hệ biện chứng giữa giáo dục và xử phạt được Bác luận giải khá sâu sắc, thấu tình, đạt lý “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”. Người nhắc nhở các tổ chức Đảng phải đi sâu phân tích, “đào đến tận gốc rễ” nguyên nhân gây ra sai lầm do chủ quan hay khách quan, do cố ý hay trình độ hạn chế để dẫn tới sai lầm, vi phạm kỷ luật, do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu “Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”.

Người luôn sâu sát thực tiễn, theo dõi tình hình xử lý kỷ luật ở nhiều tổ chức Đảng. Người phê phán một số CB, ĐV nhiễm căn bệnh “Tự do chủ nghĩa…Tự cho mình là đúng, hành động theo ý riêng, phát biểu theo ý riêng,… xem thường tổ chức và kỷ luật”. Đồng thời nhắc nhở các tổ chức Đảng phải xử lý tốt mối quan hệ dân chủ và kỷ luật “Các chú phải hết sức chú ý vấn đề dân chủ và kỷ luật. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật”; càng mở rộng dân chủ, ĐV càng thấy được trách nhiệm, quyền hạn, ý thức chấp hành kỷ luật, “biến thành quyền tự do phục tùng chân lý”. Người yêu cầu ĐV khi có lỗi phải thành khẩn, thật thà nhận khuyết điểm và có thể coi là tình tiết giảm nhẹ; đồng thời cảnh báo và đưa ra biện pháp chế tài cụ thể đối với ai có hành vi trù dập, trả thù người phê bình, kiểm thảo mình. Người nói “Ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật. Ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật”.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật vẫn còn nguyên giá trị với các tổ chức Đảng hiện nay.
Tiến sĩ  Nguyễn Thế Tư

Có thể bạn quan tâm