Nét đặc biệt nhất trong kiến trúc chùa Bổ Đà là việc sử dụng các vật liệu hiếm thấy, không "đụng hàng" với các ngôi chùa khác ở Việt Nam.
Có lịch sử hình thành từ thế kỷ XI, chùa Bổ Đà (Xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) là một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam. Đây cũng là ngôi chùa cổ mang nhiều nét kiến trúc độc đáo mà không ngôi chùa nào khác có được.
Nét đặc biệt nhất trong kiến trúc ngôi chùa này là việc sử dụng các vật liệu hiếm thấy, nổi bật là vật liệu đất.
Các bức tường, cổng và một số công trình khác của chùa Bổ Đà được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường.
Dãy tường đất bao quanh chùa có tổng chiều dài hàng trăm mét, cao gần hai mét, dày chừng nửa mét, được xây dựng rất kỳ công.
Để xây tường, các khuôn gỗ dày sẽ được dựng để đổ đất sét được trộn với rơm rạ, sỏi đá, nước vào trong.
Hỗn hợp vật liệu này sẽ được giã nhuyễn và để cứng lại thì mới dỡ khuôn.
Sau khi khô hoàn toàn, các bức tường sẽ trở nên rắn như đá, có thể đứng vững cả trăm năm.
Bên cạnh vật liệu đất, chùa còn sử dụng đá muối để lát nền cho lối vào.
Một vật liệu độc đáo khác là tiểu sành, được dùng để xây dựng một số bức tường bên trong chùa.
Đây là cách thức xây dựng học từ làng Thổ Hà, một làng nghề sản xuất chum vại, tiểu sành cách chùa không xa.
Các mảnh sành cũng được sử dụng để gia cố cho gờ mái của các bức tường đất.
Theo kienthuc