Thời sự - Bình luận

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bên cạnh nguồn vốn, công việc cần được tiến hành song song là chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành công trình với số lượng dự kiến có thể hơn 14 ngàn người.

duongsatcaotoc.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Không thể chần chừ được nữa đối với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội đã nhiều lần thảo luận và đồng thuận cao về dự án quan trọng này.

Theo đó, dự án được triển khai xây dựng từ năm 2027 và sẽ hoàn thành vào năm 2035. Theo thiết kế, đây là tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ 350 km/h. Tổng vốn đầu tư dự kiến 67 tỷ USD.

Để dự án được triển khai đúng kế hoạch, các chuyên gia cho rằng, sẽ có một số cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng. Trước tiên là bố trí nguồn vốn cho công tác chuẩn bị như: đào tạo nhân lực, dịch vụ tư vấn, bồi thường, giải phóng mặt bằng, truyền thông… ngay sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Vì thời cơ đã thực sự chín muồi, cần triển khai để tạo động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Không giống như đường bộ cao tốc, Nhà nước chỉ lo chủ yếu là đầu tư hạ tầng cầu đường, đường sắt tốc độ cao là dự án mới, phải đầu tư đồng bộ từ hạ tầng cầu, đường đến nhân lực quản lý, vận hành với những tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ hết sức nghiêm ngặt. Bởi lẽ, ai cũng biết, với tốc độ 350 km/h, nếu “sai một ly” có thể sẽ “đi cả đoàn tàu”!

Vì thế, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án này được Bộ Giao thông-Vận tải xác định là phải làm ngay. Nguồn nhân lực cho dự án có thể chia thành 4 khối có nhu cầu phát sinh lớn gồm: nhân lực quản lý dự án; tư vấn; thầu xây dựng và khai thác vận hành, với ít nhất khoảng 14 ngàn người.

Dựa trên tiến độ của từng giai đoạn, việc đào tạo, cung ứng nhân lực cho dự án sẽ được linh động cung ứng hợp lý. Nhất là giai đoạn cao điểm 2028-2032, khi triển khai đồng thời cả 3 đoạn tuyến của dự án, số lượng nhân lực ở tất cả các khâu: tư vấn, xây dựng, khai thác, vận hành có lúc cần từ 180 đến 240 ngàn người.

Nhu cầu nhân lực vận hành, khai thác dự án phụ thuộc rất lớn vào quy trình, công nghệ và công suất khai thác của con tàu. Nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và Đề án tái cơ cấu đường sắt Việt Nam đã xây dựng vị trí việc làm, dự kiến nhân lực vận hành, khai thác cho 2 đoạn tuyến Hà Nội-Vinh và TP. Hồ Chí Minh-Nha Trang năm 2032-2033 là gần 6 ngàn lao động; đoạn tuyến Vinh-Nha Trang năm 2035-2036 là gần 8 ngàn lao động. Như vậy, đến năm 2035, cần hoàn thành đào tạo gần 14 ngàn nhân sự vận hành, khai thác toàn tuyến.

Hiện cả nước có 3 trường đại học đào tạo các ngành liên quan đến vận hành, khai thác đường sắt là Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Giao thông TP. Hồ Chí Minh và Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, dù là có bề dày trong việc đào tạo cho ngành đường sắt như Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, với các ngành gồm: Cầu đường sắt, Đường sắt metro, Đầu máy toa xe, Khai thác vận tải đường sắt; ngoài ra còn các ngành liên quan như Công nghệ thông tin, Cơ điện tử... thì cũng phải thừa nhận một thực tế rằng các ngành học của đường sắt thuộc khối kỹ thuật chưa tạo được sức hấp dẫn với người học.

Đây cũng là nhóm ngành có điểm chuẩn thuộc diện thấp nhất của trường và rất khó khăn trong tuyển sinh. Tổng chỉ tiêu các ngành chỉ khoảng 200 nhưng hàng năm vẫn không tuyển đủ.

Vì vậy, cần kết hợp nhiều loại hình đào tạo: trong nước, nước ngoài, kết hợp trong nước và nước ngoài cho cả 4 cấp đào tạo: công nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ.

Ngoài các trường đại học trong nước, cần phải đẩy mạnh việc liên kết đào tạo với nước ngoài; cử giảng viên, tu nghiệp sinh đi học tập, tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài trong việc đào tạo nhân lực xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác loại hình giao thông đặc biệt này như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là điều hết sức cần thiết.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của nước ta rất lớn, gồm 25 tuyến, tổng chiều dài 6.354 km. Trong đó, 7 tuyến đường sắt hiện hữu và 18 tuyến mới.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là 1 trong 3 tuyến rất quan trọng nằm dọc theo hành lang kinh tế Bắc-Nam cần phải đầu tư, nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Huy động hơn 5 tỷ USD/năm để xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là việc vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Nhưng chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khai thác, vận hành dự án để tạo “cú hích” cho nền kinh tế trong tương lai cũng hết sức quan trọng, cần phải được tính toán kỹ lưỡng và đảm bảo thực thi.

Có thể bạn quan tâm