Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Cần cơ chế để kinh tế tư nhân phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làm gì để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra lúc này. Đó cũng là một trong 5 nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 5 tập trung thảo luận để làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc hội nghị hôm 5-5 vừa qua.
 

Sản xuất công nghiệp chế biến hạt điều. Ảnh: T.N
Sản xuất công nghiệp chế biến hạt điều. Ảnh: T.N

Vấn đề phát triển kinh tế tư nhân vốn đã được đề ra từ 15 năm trước, trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX). Từ đó đến nay, lĩnh vực này đã được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thông qua nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng. Tuy nhiên, khi được xác định là một trong 5 nội dung quan trọng đưa ra thảo luận tại hội nghị  lần này, Đảng ta đã nhận thấy cần phải nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác mức độ thành công, cũng như những tồn tại phát sinh từ thực tiễn phát triển thời gian qua.

Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), có thể thấy rõ vị thế không thể phủ nhận của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tư nhân được xem là động lực của nền kinh tế nước ta hiện nay, khi số lượng doanh nghiệp không ngừng tăng qua các năm. Hiện cả nước có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân. So với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì khu vực này đang đóng góp khoảng 40% GDP, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ.  Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và quốc tế với một đội ngũ doanh nhân cũng ngày càng lớn mạnh như: Vin Group, Hòa Phát, TH True Milk, Masan, Sun Group, Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Trung Nguyên, FLC, Vietjet Air… Đã có không ít doanh nhân Việt Nam được xếp vào danh sách tỷ phú đô la của thế giới gắn với những thương hiệu mạnh trên thị trường tài chính, hàng không, du lịch-dịch vụ…

Tuy nhiên, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần này thì kinh tế tư nhân cũng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Đó là tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Số doanh nghiệp tư nhân lớn còn rất ít, 97% doanh nghiệp tư nhân vẫn là nhỏ và vừa, trong đó có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp siêu nhỏ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh khá hạn chế; tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng.

Tại một hội thảo về vai trò của kinh tế tư nhân tổ chức tháng 10-2016,  nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lực cản chính của thành phần kinh tế tư nhân hiện nay là tình trạng “phân biệt đối xử”, khi chỉ với  2%, nhưng khối doanh nghiệp nhà nước đã được phân bổ đến 50% nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh một số tập đoàn, doanh nghiệp mạnh thì khối này cũng để lại nhiều tai tiếng khi có không ít doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, nhiều dự án thua lỗ, đắp chiếu hàng chục ngàn tỷ đồng!   

Ngay trong khối kinh tế tư nhân thì cũng chỉ những “đại gia” có quan hệ đặc biệt mới mong nhận được nhiều hợp đồng, mới tiếp cận được với nguồn tín dụng. Các chuyên gia chỉ ra rằng, 70% tín dụng là dành cho 2% doanh nghiệp lớn; 5% tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa. Còn 95% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì chỉ hưởng được khoảng 20-25% tín dụng. Nghĩa là có đến 400 ngàn doanh nghiệp hầu như chẳng được hưởng lợi gì từ hệ thống tín dụng ngân hàng.

Chính phủ đang đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp với mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, con số 1 triệu, hay nhiều hơn nữa cũng chẳng đem lại ý nghĩa gì nếu tỷ lệ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp làm ăn lành mạnh, có lãi không được cải thiện. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài. Vì vậy, một cuộc bàn thảo nghiêm túc tại Hội nghị Trung ương lần này để có cách nhìn toàn diện, khách quan về kinh tế tư nhân là thực sự cần thiết, không chỉ cho kinh tế tư nhân mà còn rất cần thiết để làm một thế so sánh, nếu không muốn nói là đối trọng để những thành phần kinh tế khác nhìn lại mình, khi được dành cho nhiều ưu ái về nguồn lực nhưng lại chưa phát huy được vai trò của mình trong nền kinh tế đất nước.

Đã xác định là động lực của nền kinh tế thì cần phải có một cơ chế mang tính động lực để kinh tế tư nhân phát triển. Vì vậy, đây là dịp để Đảng ta chỉ ra chính xác nguyên nhân khiếm khuyết của thị trường, của cơ chế chính sách, từ đó thống nhất quyết tâm, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, trở lực, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển xứng đáng với vai trò, vị trí của một thành phần kinh tế đầy tiềm năng, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

 Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm