(GLO)- Mỗi năm, ngân sách phải chi gần 13 ngàn tỷ đồng thuê lái xe, bảo dưỡng, sửa chữa, xăng dầu... cho 40 ngàn xe công trên cả nước.
Chuyện sử dụng xe công tốn kém đã gây bức xúc cho Chính phủ, trước khi gây bức xúc cho xã hội, dù người dân là đối tượng nộp thuế chính để “nuôi” xe công.
Ảnh minh họa |
Thí điểm khoán xe công đã được nhiều địa phương thực hiện mấy năm nay nhưng chưa thể lan tỏa trên phạm vi cả nước và Nhà nước vẫn phải gánh tất cả phí tổn. Việc hạn chế mua sắm xe mới tuy nói nhiều nhưng thực hiện vẫn chưa được bao nhiêu. Người ta còn so sánh việc lãng phí do sử dụng xe công với việc lãng phí “ở tầm vĩ mô” vì thua lỗ của hàng chục dự án do Bộ Công thương quản lý, từ đó thấy đây chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Nếu cứ so sánh kiểu như thế, tính toán kiểu như thế thì quốc gia sẽ vỡ nợ trong một ngày không xa.
Nhìn sang những nước giàu, xe công ở đó rất ít. Ở Hà Lan, quan chức đi làm bằng... xe đạp. Các nước Bắc Âu hoàn toàn không có chế độ xe đưa đón tại nhà. Ở Nhật Bản, Văn phòng Chính phủ thuê xe của công ty tư nhân phục vụ quan chức, mỗi chuyến đi đều được ghi nhận cụ thể giờ giấc, đoạn đường. Thủ tướng và Bộ trưởng có xe đưa đón nhưng không có tài xế riêng; xe được sử dụng tối đa, không có chuyện xe chờ người.
Tóm lại, nếu cứ dừng ở thí điểm khoán xe công thì mọi sự vẫn như cũ. Cần có hẳn một luật về sử dụng xe công, quy định thật rõ ràng, và tính ngay được hàng năm tốn phí bao nhiêu trên phạm vi toàn quốc. Và rất cần tính toán chi li, xem giữa đi xe công với đi xe thuê, cái nào tiết kiệm hơn, tiết kiệm được bao nhiêu? Chế độ xe phục vụ đi công tác xa thế nào, những việc cần đi, những nơi cần đến thì sử dụng xe ra sao? Từ đó mới có chế độ khoán thích hợp. Đừng để cán bộ, công chức, viên chức lấy cớ không có xe để từ chối đi công tác cơ sở. Chính vì phải tính toán rất nhiều mặt nên cần có luật. Khi xây dựng luật, buộc phải tính toán thực tế, hợp lý, có ngay kết quả. Còn nếu cứ duy trì hình thức “thí điểm” như lâu nay thì mọi sự rồi vẫn như thế, không thể thay đổi được.
Người ta nói, Việt Nam là nước nghèo nhưng rất thiếu ý thức tiết kiệm. Cái đó có thật. Hãy so sánh giữa cảnh quan chức vào nhà hàng gọi món tùm lum, ăn không hết rồi bỏ với cách sử dụng xe công hết sức lãng phí, mà kết quả những chuyến đi như thế nhiều khi bằng không, mới thấy hết nỗi đau khổ của người dân nộp thuế. Với họ, xe công là chuyện xa lạ. Nhưng họ phải nộp thuế nuôi xe công, đó là cái chắc. Mỗi đồng tiền từ tài sản quốc gia phải lao động, vun vén, chắt bóp mới có được. Vì vậy, không tiết kiệm thì quốc gia không bao giờ phát triển được.
Với Chính phủ bây giờ, tiết kiệm chính là kiến tạo. Bởi tiết kiệm, giảm chi phí là làm tăng ngân sách. Dầu mỏ có thể rồi sẽ cạn, nhưng nếu mỗi người dân Việt Nam, mỗi quan chức Việt Nam có ý thức tiết kiệm thì của cải sẽ nảy lên từ đó. Số của cải do tiết kiệm quốc gia có khi còn lớn hơn cả tiền bán dầu thô. Từ luật sử dụng xe công sẽ dẫn tới luật tiết kiệm quốc gia. Đó là con đường không thể khác.
Thanh Thảo