Kinh tế

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường:

Căn cứ vào lợi thế của địa phương để phát triển cây sầu riêng, chanh leo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 10-8, tại Pleiku, Cục Trồng trọt chủ trì tổ chức hội nghị phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo bền vững tại các tỉnh phía Nam; triển khai đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030.Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh phía Nam; lãnh đạo một số địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo bền vững tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: Lê Nam

Theo Cục Trồng trọt, đến cuối năm 2022, Việt Nam có tổng diện tích cây ăn quả cả nước khoảng 1,22 triệu ha, tổng sản lượng khoảng 13 triệu tấn; với hơn 50 chủng loại cây ăn quả. Trong đó, sầu riêng với 112,2 ngàn ha (tăng hơn 27,3 ngàn ha so năm 2021), đứng thứ 3 về diện tích, chỉ sau cây chuối, xoài (chiếm 9,2% tổng diện tích cây ăn quả), sản lượng 863,3 ngàn tấn (chiếm 6,6% tổng sản lượng), với cơ cấu giống chủ yếu Ri6 và DONA; chanh leo với 9,5 ngàn ha, sản lượng 188,9 ngàn tấn, thuộc nhóm 18 loại quả có sản lượng trên 100 ngàn tấn/năm của nước ta, với cơ cấu giống chủ yếu là Đài nông 1 (chiếm hơn 95%) và 2 giống mới lai tạo của Công ty Nafoods Group (Nafoods 1, Quế Phong 1). Tây Nguyên là vùng có diện tích sầu riêng lớn nhất với 52,2 ngàn ha (chiếm 46,5% cả nước), trong đó Đak Lak (22,5 ngàn ha), Lâm Đồng (17,7 ngàn ha), Đak Nông (6,2 ngàn ha) và Gia Lai (4,3 ngàn ha). Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh leo chủ lực của cả nước với khoảng 8,2 ngàn ha (hơn 86% cả nước), trong đó Gia Lai là tỉnh có diện tích chanh leo lớn nhất với hơn 4.263 ha, sản lượng đạt hơn 134 ngàn tấn và là địa phương thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến tiêu thụ chanh leo lớn nhất cả nước), tiếp đến là các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng.

Mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây ăn quả cả nước 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn; đến năm 2030 diện tích cây ăn quả cả nước 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn. Trong đó, đến năm 2030, diện tích sầu riêng khoảng 65-75 ngàn ha, sản lượng 830-950 ngàn tấn, sản xuất tại các tỉnh trọng điểm như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đak Lak, Gia Lai, Đak Nông. Cây chanh leo phát triển khoảng 12-15 ngàn ha, sản lượng 250-300 ngàn tấn; các tỉnh sản xuất chanh leo trọng điểm là Lâm Đồng, Đak Nông, Gia Lai, Đak Lak, Quảng Trị, Sơn La, Nghệ An.

Các đại biểu dự hội nghị phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo bền vững tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: Lê Nam

Theo Tổng thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên: Đến tháng 7-2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 475,538 triệu USD giảm 28,2 % với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với sầu riêng 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tươi lớn nhất chiếm gần 96% tổng kim ngạch xuất khẩu; Việt Nam hiện có 293 mã vùng trồng và 115 mã cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp chính thức xuất khẩu cho thị trường này. Đối với chanh leo 6 tháng 2023 xuất khẩu tươi 23,1 triệu USD (giảm 42,8% so cùng kỳ năm 2022), chế biến 104,3 triệu USD (tăng 92,7% so với cùng kỳ 2022). Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam: Qua phản ánh của một số công ty EU nhập khẩu và phân phối trái cây năm 2022 thì sản phẩm chanh leo của chúng ta xuất khẩu sang EU có vỏ không đẹp lại mỏng nên khó bảo quản lâu, dễ cấn dập, khó cạnh tranh với chanh leo các nước châu Phi và Nam Mỹ. Do đó, chúng ta nên nghiên cứu cho nhập các giống chanh leo ngoại có vỏ đẹp và dày hơn lại ít bị sâu bệnh hại để đẩy mạnh hơn tỷ lệ xuất khẩu.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai Đoàn Ngọc Có: Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với phát triển các loại cây ăn quả. Năm 2022, tổng diện tích cây ăn quả khoảng 29.016 ha, tăng 7.641 ha so với năm 2021; sản lượng đạt 417.192 tấn, tăng 149.833 tấn so với năm 2021. Trong đó, một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn như: chuối, chanh dây, sầu riêng, bơ, mít... phát triển mạnh về quy mô diện tích và đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Riêng đối với cây sầu riêng toàn tỉnh có 4.637,6 ha (trồng thuần 1.797,9 ha), chanh leo có 4.700,9 ha (trồng thuần 1.437 ha).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa (thứ 2 từ trái qua) trao đối với doanh nghiệp về sản phẩm chanh leo xuất khẩu. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai định hướng đến năm 2025, phát triển cây ăn quả khoảng 55.000 ha cây ăn quả các loại. “Thời gian tới, Gia Lai đề nghị Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ tỉnh thực hiện các đề tài khoa học, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững diện tích các loại cây ăn quả đặc sản có phẩm cấp, giá trị của tỉnh. Tiếp tục quan tâm giới thiệu và kêu gọi các doanh nghiệp vào Gia Lai đầu tư liên kết phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, gắn với sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân trồng cây ăn quả trong tỉnh”-ông Có thông tin thêm.

Kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường nhấn mạnh: Việt Nam có sự đa dạng về trái cây, mùa nào cũng có và phủ đều khắp cả nước. Hội nghị các đại biểu đã phân tích đầy đủ, cơ bản và đưa ra những giải pháp, định hướng đối với những mặt được và chưa được trong phát triển cây ăn quả nói chung và cây sầu riêng và chanh leo nói riêng. Việc xây dựng đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 là một sự định hướng chung để ngành phát triển ổn định và bền vững. Cây ăn quả là cây lâu năm, đầu tư rất lớn nên cần phải có giải pháp phát triển bền vững, trong đó đầu tiên là khâu giống phải đảm bảo, đến quy trình trồng, chăm sóc. Cần đẩy mạnh liên kết, liên doanh trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Để cây sầu riêng, chanh leo phát triển bền vững các địa phương cần căn cứ vào lợi thế, của địa phương mình để xây dựng kế hoạch triển khai đề án và cần đề xuất các cấp, chính quyền HĐND, UBND ban hành cơ chế chính sách đặc thù riêng. Đồng thời, phải liên kết sản xuất thành 1 chuỗi khép kín, bền vững và hiệu quả. Tập hợp các nguồn lực tư nhân, xã hội, nhân dân, nhà nước để thực hiện tốt đề án mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành.

Có thể bạn quan tâm