Kinh tế

Nông nghiệp

Trồng chanh dây cần liên kết để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Thời gian gần đây, thấy cây chanh dây mang lại lợi nhuận kinh tế cao, nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang (tỉnh Gia Lai)… đã đổ xô trồng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu chanh dây rớt giá. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo người trồng chanh dây cần liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) để bảo đảm phát triển bền vững.

Đổ xô trồng chanh dây

Chư Păh là địa phương có diện tích chanh dây tăng nhanh trong thời gian qua. Hiện toàn huyện có hơn 500 ha chanh dây, tăng 200 ha so với năm 2022. Ông Nguyễn Tiến Hùng (thôn 6, xã Ia Nhin) cho hay: Gia đình có hơn 3 ha cà phê đã già cỗi, năng suất thấp. Vì vậy, ông quyết định chuyển bớt diện tích sang trồng chanh dây.

“Tôi bắt trồng chanh dây từ năm 2016, thời điểm giá chỉ có 2.000-3.000 đồng/kg. Nhưng từ năm 2020 đến nay, giá chanh dây luôn ở mức cao, trên 10.000 đồng/kg, thậm chí có khi trên 20.000 đồng/kg giúp gia đình có lợi nhuận 200-300 triệu đồng/ha. Hiện tại, tôi đang trồng xen trong vườn cà phê khoảng 200 gốc chanh dây và trồng thuần 4 sào chanh dây”-ông Hùng chia sẻ.

Tương tự, bà Hồ Thị Lai (cùng thôn) cho hay: Gia đình có hơn 4 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp, thu nhập không đáng kể. Năm 2022, thấy chanh dây được giá nên gia đình bà thuê người phá bỏ cà phê để đầu tư trồng 200 gốc chanh dây.

“Năm đầu tiên, do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên chanh dây bị bệnh, chỉ thu được 1 đợt rồi phải phá bỏ, lỗ tiền đầu tư hơn 20 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục mua 350 gốc chanh dây về trồng. Tuy nhiên, khi xuống giống được hơn 1 tháng lại thấy giá chanh dây giảm còn khoảng 5.000 đồng/kg nên gia đình hơi lo lắng. Hy vọng, thời gian tới, giá chanh dây tăng trở lại"-bà Lai kỳ vọng.

Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) chăm sóc chanh dây. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) chăm sóc chanh dây. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tại Ia Grai, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT, toàn huyện có trên 700 ha chanh dây, tăng hơn 100 ha so với cuối năm 2022. Ông Nguyễn Minh Chí (thôn Hợp Thành, xã Ia Bă) cho biết, tại xã có rất nhiều hộ trồng chanh dây. Họ trồng xen trong các vườn cà phê tái canh hoặc tận dụng diện tích đất trống để trồng.

"Nhà tôi cũng trồng 700 gốc chanh dây trên 8 sào cà phê tái canh. Theo tính toán, chi phí đầu tư 1 ha chanh dây khoảng 120-130 triệu đồng gồm: tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, thu hoạch. Chanh dây dễ trồng, khoảng 4,5-5 tháng cho thu hoạch, kéo dài 4-5 đợt. Nếu giá trên 10.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác”-ông Chí vui vẻ nói.

Huyện Đak Đoa hiện cũng có khoảng 700 ha chanh dây, tăng 70 ha so với thời điểm cuối năm 2022. Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Diện tích chanh dây tăng nhưng không đột biến so với các địa phương khác. Huyện thường xuyên khuyến cáo người dân chỉ trồng chanh dây trên những diện tích đất phù hợp và trồng xen trên diện tích cây công nghiệp lâu năm. Đặc biệt, người dân không nên chuyển đổi những diện tích cây trồng đang phát triển ổn định, nhất là cây công nghiệp dài ngày sang trồng chanh dây.

“Ủy ban nhân dân huyện đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên khuyến cáo người dân sử dụng những giống chanh dây đã được tỉnh công nhận giống đầu dòng. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên kiểm tra các vườn cây có sâu bệnh gây hại cũng như một số cơ sở cung cấp giống; hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thông tin thêm.

Cần liên kết để phát triển bền vững

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.700 ha chanh dây, tăng hơn 300 ha so với cuối năm 2022. Trong đó có khoảng 3.155,5 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 451,5 tạ/ha, sản lượng đạt 149.081,2 tấn. Theo dự ước từ nay đến năm 2025, diện tích chanh dây của tỉnh khoảng 20.000 ha. Chanh dây được xác định là 1 trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh và là cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, từ tháng 7-2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến.

Nhưng để cây chanh dây phát triển bền vững cần phải làm tốt công tác quản lý chất lượng giống, phòng trừ sâu bệnh hại và đặc biệt là xây dựng mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX với các doanh nghiệp chế biến đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang liên kết canh tác 305 ha chanh dây tại huyện Ia Grai với 150 hộ dân tham gia; HTX Thành Đạt (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) liên kết với 170 hộ dân canh tác 50 ha; Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ liên kết với HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai và 2 tổ hợp tác tại huyện Mang Yang trồng 109,5 ha/223 hộ dân tham gia. Đồng thời, xây dựng mã số vùng trồng chanh dây để hướng đến xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh có 32 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích hơn 877 ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất-thương mại-dịch vụ-du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh): Hiện nay, HTX đang liên kết với 260 hộ dân sản xuất 230 ha chanh dây và liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Group trồng 8 ha chanh dây ngọt. Hợp tác xã đang liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây với Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã xây dựng 2 mã số vùng trồng chanh dây xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Tuy nhiên, người dân đang phát triển chanh dây một cách ồ ạt, có thể dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm. Do đó, người dân cần tham gia chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”-ông Thanh khuyến cáo.

Chuyển đổi cà phê già cỗi sang trồng chanh dây. Ảnh: Nguyễn Diệp

Chuyển đổi cà phê già cỗi sang trồng chanh dây. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh Nguyễn Công Sơn: Nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp huyện là quy hoạch, phát triển vùng để hình thành các tổ chức liên kết trong nông dân; đồng thời, tập huấn cho bà con nông dân nắm được quy trình canh tác theo yêu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu cũng như tìm kiếm các doanh nghiệp có đủ năng lực liên kết với người dân đưa quả chanh dây xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, huyện cũng đang tiến hành rà soát những diện tích trồng chanh dây lớn, tập trung để xem xét hỗ trợ người dân trong việc cấp mã số vùng trồng.

Tương tự, thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện Mang Yang chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp sang trồng chanh dây. Ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho hay: Ủy ban nhân dân huyện và ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn định hướng người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng chanh dây. Đồng thời, khuyến cáo người dân tìm đến những đơn vị, cơ sở uy tín mua giống chanh dây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứng nhận cây đầu dòng để không ảnh hưởng đến quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch; tránh gây thiệt hại về kinh tế.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chanh dây gồm: Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group. Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac-cho biết: Những ngày gần đây, giá chanh dây giảm xuống do 2 nguyên nhân: thứ nhất là do người dân trồng nhiều khiến cung vượt cầu; thứ hai là do thời tiết nắng nóng liên tục dẫn đến chanh dây chín đồng loạt khiến sản lượng thu hoạch tăng cao.

“Theo nhận định của tôi, nhu cầu tiêu thụ chanh dây vẫn còn cao. Hiện các xưởng múc đã hoạt động trở lại cả ngày lẫn đêm giải phóng được lượng chanh dây tồn. Tuy nhiên, người dân nên trồng rải vụ thì giá sẽ cao và ổn định hơn. Chanh dây trong thời gian tới vẫn là cây trồng giúp nông dân phát triển kinh tế. Riêng nhà máy thu mua toàn bộ nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên, thậm chí nhập từ Sơn La, Quảng Trị. Tại Gia Lai, thời điểm rộ, mỗi tuần, Công ty thu mua 1.500 tấn quả chanh dây để chế biến thông qua các đại lý và HTX. Công ty cần sản lượng chanh dây lớn để chế biến, người dân chỉ cần trồng rải vụ thường xuyên thì sẽ không phải lo về đầu ra của sản phẩm"-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tập trung sản xuất chanh dây theo hướng bền vững như chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi, những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng chanh dây để đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ xuất khẩu theo đúng định hướng và lợi thế của từng địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng chuỗi giá trị liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ bền vững.

“Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn người trồng chanh dây sử dụng vật tư đầu vào và cây giống theo hướng an toàn để giảm chi phí. Ngoài ra, chú trọng sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu chanh dây, mang lại hiệu quả kinh tế cao”-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm