Kinh tế

Nông nghiệp

Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực khuyến nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 29-5, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai tổ chức hội thảo về hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh trong 30 năm (1993-2023). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp dự và chỉ đạo tại hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, một số doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát triển mô hình khuyến nông thích ứng với biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Trải qua chặng đường 30 năm, hoạt động khuyến nông đã đạt được những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thông qua hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền chính sách, phổ biến chuyển giao các kiến thức khoa học kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc”, xây dựng mô hình khuyến nông, làm mô hình học cụ ngoài thực tế sản xuất đã làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của người dân; hình thành nhóm nông dân, hỗ trợ liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi đúng hướng, phù hợp với lợi thế từng vùng, chú trọng nâng cao hiệu quả, đa mục tiêu. Hoạt động khuyến nông đã trở thành cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường.

Báo cáo tại hội thảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoàng Thi Thơ khẳng định: Chương trình khuyến nông đã góp phần giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ, phát triển cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng đến xuất khẩu. Ngoài ra, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu chuỗi gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao TBR39 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed triển khai tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Diệp

Mô hình khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao TBR39 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed triển khai tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Ảnh: Nguyễn Diệp

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng các địa phương đẩy mạnh tái canh cà phê với giống mới TR4, TR9, TR11, TRS1 và sản xuất có chứng nhận 4C; xây dựng các mô hình sản xuất hồ tiêu sạch và hình thành các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững; xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đưa các giống mía mới như K84-200, R579, F157, K88-92, K95-156 vào sản xuất và áp dụng quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và liên kết với nhà máy tiêu thụ; đưa các giống lúa mới ST24, ST25, LH12, TBR39, J02 vào sản xuất và áp dụng các quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, hình thành cánh đồng lớn, cánh đồng 1 giống, sản xuất theo hướng hữu cơ, lúa đặc sản; đưa các giống mì có năng suất cao, kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh như KM94, KM419, HN1, HN3, HN5 vào sản xuất.

Nhằm giúp nông dân giảm công lao động, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ cho người dân máy làm đất, máy gặt rải hàng, máy gặt đập liên hợp, hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Công tác khuyến nông trên lĩnh vực chăn nuôi cũng được các địa phương tập trung đẩy mạnh. Cụ thể, các địa phương chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lai cải tạo giống nhằm đưa các giống vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi trang trại, thâm canh với quy mô phù hợp; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo các yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước; hướng tới việc phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Nam

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cho rằng: Công tác khuyến nông đã đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ước đạt 33.823,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 233.522 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 41,5% tổng diện tích gieo trồng); có 146 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.769,1 ha và 32 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.245-1.395 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu chuỗi...

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác khuyến nông vẫn còn một số hạn chế như: mô hình khuyến nông ở vùng đặc biệt khó khăn và cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn ít; mạng lưới khuyến nông viên cấp xã hiện nay không còn gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động khuyến nông ở cơ sở; kinh phí cho hoạt động khuyến nông còn ít; nguồn vốn bố trí cho các chương trình khuyến nông thường chậm hơn so với thời vụ một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò cầu nối trong liên kết “4 nhà”

Bà Trương Thị Thiên Lý-nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-cho hay: Để sản xuất nông nghiệp hiệu quả cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của các địa phương; tạo cơ chế thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn để các doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy, khu nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới tư duy về các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn gắn với thị trường.

Đặc biệt, đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần quan tâm đến các chương trình nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân; kết hợp tổ chức tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn nhằm chuyển giao kỹ thuật canh tác, từng bước nâng cao trình độ cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông. Ảnh: Lê Nam

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông. Ảnh: Lê Nam

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể, 7 cá nhân; Sở Nông nghiệp và PTNT tặng giấy khen cho 6 tập thể, 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1993-2023. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tặng giấy khen cho 3 tập thể, 8 cá nhân thuộc hệ thống khuyến nông tỉnh Gia Lai đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông Việt Nam giai đoạn 1993-2023.

Còn theo ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê: Chương trình khuyến nông đã góp phần đưa giống bắp lai vào sản xuất đại trà trên địa bàn huyện từ 500 ha lên 3.000 ha, năng suất bình quân tăng từ 2,5 tấn/ha lên 8 tấn/ha, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Chương trình phát triển cà phê bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, tái canh cà phê; mô hình trồng cây ăn quả; mở rộng áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất. Huyện đã thực hiện 25 mô hình nhân rộng cánh đồng lúa liên kết, 3 mô hình trình diễn giống lúa mới ở các xã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cơ cấu giống lúa, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại, tăng hiệu quả kinh tế...

“Để sản xuất nông nghiệp hiệu quả cần triển khai khuyến nông từ nhu cầu của nông dân và tiếp cận theo chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động tuyên truyền, đào tạo khuyến nông để tăng khả năng tiếp cận của nông dân với các kênh thông tin khuyến nông”-ông Quý nêu giải pháp.

Định hướng hoạt động khuyến nông thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhấn mạnh: Hoạt động khuyến nông cần tiếp tục xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao có khả năng bứt phá và có sức lan tỏa mạnh trên phạm vi rộng; đẩy mạnh cơ giới hóa; tăng cường xúc tiến, liên kết giúp người sản xuất tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa vai trò cầu nối trong liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) để góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực khuyến nông nói riêng; thực hiện Đề án khuyến nông cộng đồng, tập trung nâng cao năng lực đội ngũ, tổ chức lại bộ máy tại địa phương.

Cùng với đó, hoạt động khuyến nông cần tiếp tục bám sát các nội dung, giải pháp của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh; lồng ghép với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.

Có thể bạn quan tâm