Kinh tế

Cần điều chỉnh cơ chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển (ĐTPT) của tỉnh năm 2009 là 1.511,127 tỷ đồng (bao gồm cả vốn chuyển nguồn); năm 2010 là 1.835,04 tỷ đồng và năm 2011 là 1.698,646 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn ĐTPT hàng năm thực hiện không đạt kế hoạch: Năm 2009 thực hiện 1.176,762 tỷ đồng đạt 77,7% kế hoạch; năm 2010 thực hiện 1.581,052 tỷ đồng đạt 86,1% kế hoạch; năm 2011 thực hiện 1.426,201 tỷ đồng đạt 84% kế hoạch.

Tuy không đạt kế hoạch nhưng trên thực tế, nguồn vốn ĐTPT từ ngân sách nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, góp phần đem lại kết quả quan trọng: Tốc độ tăng trưởng GDP trong 3 năm đều đạt mức khá cao: 2009 là 15,6%, 2010 là 13,21% và 2011 là 13,14%, đều cao hơn kế hoạch đề ra. GDP kể từ năm 2010 đến năm 2011 đều tăng trên 13% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân trên 12%/năm.

 

Công trình xây dựng Trường THPT Chuyên Hùng Vương. Ảnh: Thanh Nhật

Tổng thu ngân sách 2 năm 2009, 2010 tăng gần 34% và năm 2011 tăng gần 19%. Các ngành dịch vụ phát triển cả về lượng và chất. Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt gần 124 triệu USD, năm 2010 và 2011 đều tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tích cực giảm dần tỷ trọng GDP trong nông nghiệp và tăng dần trong công nghiệp, dịch vụ. Các hoạt động văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, các chế độ chính sách được triển khai kịp thời, quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường.

Riêng trong công tác quản lý và sử dụng vốn ĐTPT, Gia Lai đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các văn bản quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư; lập, phân bổ, bố trí vốn đầu tư cho các dự án; triển khai thực hiện dự án; giám sát, đánh giá đầu tư, thanh-kiểm tra các dự án. Hầu hết các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Công tác chuẩn bị đầu tư được triển khai kịp thời với 95% dự án phê duyệt trước ngày 31-10 năm trước kế hoạch.

Các dự án đều tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định; chia gói thầu hợp lý; nhà thầu có năng lực. Việc bố trí vốn và thanh toán vốn đầu tư đảm bảo; ưu tiên cho các dự án công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... công trình dân sinh thiết yếu; ưu tiên bố trí vốn để trả tạm ứng ngân sách, vốn cho các công trình chuyển tiếp hoàn thành đưa vào sử dụng. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được phân cấp mạnh cho chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương...

Theo đánh giá, kết quả thực hiện kế hoạch ĐTPT bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn chưa đảm bảo là do năng lực quản lý điều hành của các ban quản lý dự án còn yếu, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Trong 3 năm (2009-2011), giá nhân công, vật liệu biến động mạnh buộc phải điều chỉnh nhiều lần. Đặc biệt, thời tiết Gia Lai với 6 tháng nắng, 6 tháng mưa ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công công trình,…

Theo ông Trần Thế Vinh- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để khắc phục những tồn tại yếu kém, ngoài nỗ lực của địa phương, Chính phủ cần quan tâm điều chỉnh một số cơ chế chính sách như sớm ban hành Luật Quy hoạch làm căn cứ để địa phương phục vụ định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Bổ sung nguồn vốn đầu tư thuộc các nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 để thực hiện các công trình, dự án cấp bách như đường tránh lũ, nâng cấp các hồ đập, kè chống sạt lở các sông,... Bố trí vốn đầu tư cho các chương trình đã được phê duyệt như các cụm công nghiệp, trụ sở xã, trạm y tế, dự án định canh định cư, trung tâm cụm xã, phát triển rừng...

Hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các tỉnh nghèo, tỉnh có dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, còn nhận trợ cấp của Trung ương như Gia Lai. Tăng cường quán triệt thực hiện Luật Đấu thầu, công tác hậu kiểm. Tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp, có tính pháp lý cao làm cơ sở thực hiện nghiêm túc. Việc phân cấp chủ đầu tư hiện nay có quá nhiều quyền hạn trong khi các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước có thể tạo sự phép kín trong đấu thầu dễ làm phát sinh tiêu cực, thất thoát, vì vậy cần có cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ. Nâng cao vai trò trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình.

Cũng theo ông Vinh, cần bổ sung các quy định, chế tài thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư. Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng cơ bản theo hướng Nhà nước quản lý định mức kinh tế kỹ thuật, thị trường quyết định giá cả để phù hợp với thực tế thi công xây dựng và thông lệ quốc tế, tiến tới thực hiện giá cả xây dựng theo thị trường. Xây dựng cơ chế quyết toán vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chậm quyết toán hoặc chưa quyết toán. Tập huấn, đào tạo giám sát, đánh giá đầu tư cho các địa phương nhằm nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác này.

Thành Văn

Có thể bạn quan tâm