(GLO)- Việc gắn kết giữa nhà nông và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đang là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản của địa phương.
Thu mua cà phê. Ảnh: Đ.T |
Thời gian qua, việc liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã phần nào giúp người dân ổn định được đầu ra, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, từ quy mô nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất có tổ chức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn ở quy mô nhỏ và chưa phổ biến.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) được xem là doanh nghiệp đi đầu trong việc liên kết với nông dân khi xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: Công ty đang liên kết, hợp tác với hàng ngàn hộ nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, hướng đến sự phát triển bền vững để cho ra sản phẩm cà phê nhân đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính. Trên cơ sở xây dựng mối liên kết chặt chẽ với nông dân qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, Công ty không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu cà phê nhân mà sắp tới sẽ đầu tư xây dựng nhà máy rang xay cà phê nhằm hướng đến việc xây dựng thương hiệu cà phê sạch, sau đó tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan.
Không chỉ Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, một số doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê khác cũng đã và đang liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sạch, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Những mô hình liên kết đã giúp nông dân trồng cà phê thay đổi thói quen canh tác kém hiệu quả, ổn định năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và bảo vệ môi trường. Khi tham gia liên kết sản xuất, nông dân sẽ được tập huấn sản xuất theo quy trình dựa trên những tiêu chuẩn đảm bảo về chất lượng, doanh nghiệp sẽ đầu tư toàn bộ hoặc một phần rồi thu mua sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiện vẫn chỉ dừng lại ở một số mô hình của doanh nghiệp cũng như các tổ hợp tác, chưa có sự phát triển ổn định và bền vững. Trong hơn 93.000 ha cà phê toàn tỉnh thì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certifi… chưa lớn.
Trên thực tế, hoạt động sản xuất của nông dân ở tỉnh ta vẫn mang tính tự phát, hầu hết sản phẩm của nông dân làm ra chủ yếu bán cho thương lái, do đó thường bị ép giá. Vì sản xuất tự phát nên người dân không mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phần nào làm giảm đi tính hiệu quả. Do đó, Nhà nước cần đứng ra tổ chức sản xuất, cả hệ thống chính trị cũng phải vào cuộc.
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp. Tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh đã có sự liên kết thực hiện ở các khâu sản xuất, hình thành cánh đồng mía mẫu lớn. Rồi việc xây dựng cánh đồng lúa liên kết ở một số địa phương như: Ayun Pa, Ia Pa… Cây hồ tiêu cũng đang được thí điểm tổ chức liên kết sản xuất.
Từ sự liên kết, doanh nghiệp đã tập trung hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư vốn, vật tư cho người sản xuất, góp phần giải quyết khó khăn, mang lại lợi ích hài hòa cho cả đôi bên. Để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, mối liên kết “4 nhà” cần được đẩy mạnh. Trong đó, doanh nghiệp là đầu mối quan trọng liên kết các nhà lại với nhau để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu ra cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
Vũ Thảo
Ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê: Ngành hồ tiêu dự báo nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu trong tương lai. Nông dân quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, do đó nếu không cải thiện được chất lượng thì có thể trong vòng 2-3 năm tới, các thị trường lớn sẽ không nhập hồ tiêu của nước ta nữa. Trước mắt, Hiệp hội đã thí điểm mô hình tổ chức liên kết sản xuất, tuy nhiên sự liên kết “4 nhà” chưa thật sự hiệu quả. |