Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Cần giải quyết hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức (Công ty Quang Đức) trong quá trình nổ mìn khai thác đá đã gây ảnh hưởng đến một số diện tích cà phê của người dân ở làng Bek (xã Ia Bă, huyện Ia Grai,  Gia Lai) là có thật. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và hình thức hỗ trợ, đền bù cần được các cơ quan chức năng xác định để không gây thiệt hại cho người dân, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.

Thời gian gần đây, 4 hộ trồng cà phê tại làng Bek gửi đơn đến các cơ quan chức năng phản ánh việc diện tích cà phê của gia đình bị chết hoặc ảnh hưởng do hoạt động khai thác đá của Công ty Quang Đức. Đến nay, tuy đã có một số buổi đối thoại giữa hai bên và chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thống nhất được mức thiệt hại và hình thức hỗ trợ, đền bù. Việc chậm giải quyết vụ việc không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Diện tích cà phê có dấu hiệu chậm phát triển do hoạt động khai thác đá của Công ty Quang Đức. Ảnh: V.N
Diện tích cà phê có dấu hiệu chậm phát triển do hoạt động khai thác đá của Công ty Quang Đức. Ảnh: V.N

Anh Đỗ Công Dũng (thôn Thanh Bình, xã Ia Bă) cho biết: “Nhà tôi có 1.800 cây cà phê trồng từ năm 2013 đến 2015. Thời gian gần đây, khi Công ty Quang Đức tiến hành khai thác đá thì một số cây gần mỏ đá bị chết, nhiều cây bị khô hoặc không ra hoa. Những ngày có nổ mìn thì bụi đá bay lên bám nhiều trên lá cà phê làm cây khó quang hợp, dần dần cà phê bị héo úa và chậm phát triển”. Tương tự hộ anh Dũng, hộ bà Hà Thị Thúy (cùng thôn) cũng bị ảnh hưởng với khoảng 1.800 cây cà phê trồng vào tháng 8-2015. Theo bà Thúy, thời gian gần đây, vườn cà phê của gia đình bà có dấu hiệu phát triển kém, một số cây bị chết. “Nhiều cây cà phê không thể ra hoa, kết trái do bụi bẩn bám vào; một số cây bị héo. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân và Công ty Quang Đức có phương án đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân”-bà Thúy nói.

Bốn hộ dân có vườn cà phê bị ảnh hưởng cho rằng, nguyên nhân cà phê của họ bị ảnh hưởng là do trong quá trình khai thác đá, Công ty Quang Đức không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Theo quan sát của chúng tôi, diện tích cà phê của người dân trồng ở khu vực này phát triển kém hơn một số vùng khác. Nguyên nhân là do khu vực này nhiều đá, một phần diện tích trồng cà phê có tầng đất mỏng và ở phía dưới là đá dẫn tới khả năng sinh trưởng và phát triển không được thuận lợi như một số vùng khác. Đa số diện tích cà phê bị ảnh hưởng nằm sát mỏ đá, quá trình nổ mìn khai thác, xay và vận chuyển đá đã làm bụi bay lên bám vào lá, ảnh hưởng đến việc quang hợp nên nhiều cây cà phê bị héo dù trong quá trình khai thác đá, Công ty Quang Đức đã thực hiện việc phun sương để giảm tình trạng bụi bay trong khu vực.

Tại buổi làm việc do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì có sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên môn UBND huyện Ia Grai, UBND xã Ia Bă và Công ty Quang Đức vào ngày 22-3 vừa qua, một số ý kiến cũng cho rằng, cà phê trồng ở khu vực này sinh trưởng, phát triển kém, nhiều diện tích không được chăm sóc. Các bên cũng chưa xác định rõ mức độ thiệt hại do ảnh hưởng từ việc nổ mìn khai thác đá là bao nhiêu. Từ đó, ông Hoàng Đình Chung-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết luận: Đề nghị Công ty Quang Đức tạm dừng khai thác, chế biến đá tại mỏ đá ở làng Bek; phối hợp với UBND xã Ia Bă để làm việc với các hộ dân nhằm xác định lại mức độ thiệt hại. Sau khi có thỏa thuận thống nhất giữa Công ty và các hộ dân thì UBND huyện thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo UBND tỉnh làm cơ sở cho phép Công ty Quang Đức tiếp tục hoạt động khai thác, chế biến đá trở lại.

Trước đó, ngày 19-3, UBND huyện Ia Grai cũng đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Quang Đức và người dân. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Quang Đức cho rằng, cần xác định rõ nguyên nhân, tỷ lệ thiệt hại thì Công ty mới có cơ sở để đền bù, hỗ trợ cho người dân. Do buổi làm việc ngày 19-3 chưa tìm được tiếng nói chung giữa các bên nên UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn làm việc với các bên liên quan để xác định nguyên nhân cà phê bị ảnh hưởng, cũng như hình thức đền bù, hỗ trợ.

Được biết, đây là mỏ đá Công ty Quang Đức khai thác để thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku. Việc tạm dừng hoạt động mỏ đá ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công tuyến đường này. Bởi theo kế hoạch, đến tháng 6-2018, công trình phải nghiệm thu đưa vào sử dụng. Vì vậy, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Ia Grai cần tích cực vào cuộc xác minh rõ những thiệt hại do quá trình khai thác đá của Công ty Quang Đức gây ra; đồng thời tính toán phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân không cản trở hay gây khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục khai thác đá phục vụ thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku đảm bảo đúng tiến độ.

Văn Nhung-Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm