Phụ huynh lo lắng
Sau Kết luận kiểm tra số 14/KL-KTrVB ngày 9-1-2024 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) về việc Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh không phù hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Công văn số 260/SGDĐT-KHTC về việc tạm thời không thu các khoản theo kết luận này.
Theo đó, tạm dừng việc tổ chức lớp bán trú dành cho học sinh trong các trường công lập ở bậc mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh. Việc này khiến nhiều phụ huynh lo lắng tìm phương án đưa đón con, sắp xếp thời gian để vừa đảm bảo giờ giấc công việc và học hành của con cái.
Việc tạm dừng tổ chức bán trú đã ảnh hưởng lớn đến phụ huynh học sinh và kế hoạch giảng dạy của Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Ảnh: T.D |
Theo Công văn số 260/SGDĐT-KHTC, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phổ thông công lập trực thuộc và đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc tạm thời không thu các khoản như: dạy các môn tự chọn gồm Tiếng Anh, Tin học lớp 1, 2 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; các môn Tiếng Anh, Tin học lớp 4, 5 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và các môn năng khiếu, kỹ năng sống; dịch vụ dạy học tăng cường đối với các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông, dạy củng cố, dạy bồi dưỡng; tổ chức dạy học tiếng nước ngoài trong nhà trường; tổ chức dạy học các môn thể thao tự chọn; chi phí phát sinh tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ngoài nhà trường; đồ dùng bán trú; ghế ngồi chào cờ đối với học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10; bảng tên học sinh; học bạ học sinh; đồng phục; nước uống.
Lo lắng về việc con không được tiếp tục học bán trú, nhiều phụ huynh tính đến chuyện rút hồ sơ và chuyển con sang học tại trường tư thục. Chị Đỗ Thị Đài Trang (thôn Hương Phú, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) chia sẻ: “Tôi có con học mẫu giáo lớp 5 tuổi tại Trường Mầm non Sao Mai. Hiện nay, gia đình đã đăng ký cho con học bán trú nhưng vẫn đang đợi kết quả từ nhà trường. Do vợ chồng đều là công chức, viên chức nên rất khó để sắp xếp giờ giấc hàng ngày đưa đón con nhiều buổi. Nếu nhà trường không còn tổ chức bán trú thì chắc tôi sẽ chuyển con qua học trường tư thục”.
Đồng quan điểm, chị Ralan Blo (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) cho hay: “Con tôi đang theo học tại Trường Mầm non Hoa Hồng. Gia đình đang rất lo lắng khi trường tạm dừng tổ chức bán trú. Ngoài ra, tôi còn con gái đầu đang học tiểu học ngày 2 buổi. Với đặc thù làm nương rẫy ở xa, tôi không thể sắp xếp thời gian để đưa đón các con đến trường đúng giờ. Tôi mong muốn con được học bán trú để thuận lợi hơn cho con cũng như công việc của mình”.
Chị Ralan Blo (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) lo lắng khi nhà trường đang tạm dừng tổ chức bán trú. Ảnh: Trần Dung |
Còn chị Huỳnh Thị Liên (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) thì đang sốt ruột chờ đợi thông tin về tổ chức lớp bán trú từ phía nhà trường. Chị Liên có con chuẩn bị bước vào lớp 1 tại Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa.
Chị bày tỏ: “Gia đình rất mong muốn cho con theo học bán trú bởi tính chất công việc của tôi phải buôn bán cả ngày, chồng thì là lái xe, thường xuyên vắng nhà. Việc đón con giữa buổi và chuẩn bị bữa ăn trưa cho con để con kịp quay lại trường vào buổi chiều là điều rất khó”.
Cũng vì tính chất công việc, chị Vũ Thanh Kiên (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cũng mong muốn cho con được học bán trú để thuận tiện cho việc đưa đón. “Tôi đi làm cả ngày nên việc đón con về buổi trưa rất khó khăn. Bản thân cũng muốn cho con ở trường ăn uống và nghỉ ngơi vào buổi trưa để đảm bảo sức khỏe và thời gian học tập”-chị Kiên nói.
Nhanh chóng “gỡ khó”
Năm học mới sắp bắt đầu. Tuy nhiên, các trường công lập có bậc mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh vẫn đang trông chờ sự “gỡ khó” của các cấp, ngành trong việc tổ chức học bán trú.
Theo bà Lương Thị Thơ-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Chư Sê), Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 260/SGDĐT-KHTC tạm thời không thu các khoản theo kết luận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Việc thực hiện công văn này khiến nhà trường phải thay đổi phương án dạy học bán trú. Việc tạm dừng tổ chức lớp bán trú có ảnh hưởng đến phụ huynh học sinh và kế hoạch giảng dạy của nhà trường.
“Năm học 2024-2025, nhà trường có 7 lớp ở điểm trường làng và 5 lớp ở trung tâm. Hầu hết phụ huynh đều mong mỏi cho con học bán trú. Vì vậy, khi mô hình bán trú tạm dừng, nhiều phụ huynh ngỏ ý muốn con theo học các trường tư thục. Điều này đã ảnh hưởng tới công tác tuyển sinh của nhà trường”-bà Thơ cho biết.
Phụ huynh lo lắng tìm phương án đưa đón con, sắp xếp thời gian để vừa đảm bảo giờ giấc công việc và học hành của con cái khi dừng tổ chức bán trú. Ảnh: Trần Dung |
Ông Phạm Văn Hoàng-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê-thông tin: Năm học 2024-2025, toàn huyện có trên 29.000 học sinh ở 3 bậc học (mầm non, tiểu học và THCS). Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị năm học mới đã cơ bản hoàn thành. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tổ chức dạy học bán trú và vẫn đang chờ đợi được tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh sau khi tạm dừng một số khoản thu đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD-ĐT.
Trong khi đó, cô Phan Thị Sinh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (phường Yên Thế, TP. Pleiku)-cho biết: Mặc dù đang trong thời gian chờ đợi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 47 hoặc ban hành 1 nghị quyết mới nhưng nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức mô hình bán trú. Theo dự kiến, chúng tôi vẫn sẽ tổ chức bán trú từ khối lớp 1 đến khối lớp 4 như những năm trước đây.
Còn theo cô Bùi Thị Phương Hoa-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thì: “Nhà trường vẫn đang cho triển khai đăng ký học bán trú trong năm học mới. Ngoài ra, nhà trường dự kiến mở thêm bán trú lớp 3 và tiếp tục duy trì dạy 7-8 buổi bán trú/tuần. Năm học 2024-2025, toàn trường có hơn 1.000 học sinh chia thành 27 lớp, mô hình bán trú sẽ được trải đều từ lớp 1 đến lớp 3. Việc tổ chức bán trú là rất cấp thiết bởi nhu cầu của phụ huynh đều mong muốn con em mình được học bán trú”.
Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức mô hình học bán trú. Ảnh: T.D |
Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực HĐND tỉnh với cán bộ lãnh đạo, quản lý, viên chức ngành Giáo dục vào ngày 21-5-2024, chỉ đạo về việc tạm dừng một số khoản thu theo Nghị quyết số 47 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết sửa đổi hoặc thay thế để kịp thời triển khai tổ chức thực hiện.
Về việc tạm dừng tổ chức bán trú trong các trường công lập đối với bậc mầm non, tiểu học, ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 27 trường tiểu học và 20 trường mầm non. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang chờ HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới trên cơ sở của Nghị quyết số 47 để tổ chức mô hình bán trú. Việc dừng bán trú sẽ gây khó khăn và bất tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón, nhất là đối với các phụ huynh có con cùng học tiểu học, mầm non.
Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định thông tin: Vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) kiểm tra và buộc phải dừng thu đối với một số khoản thu kèm theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh vì cho rằng không đúng quy định. Vấn đề này nhận được sự quan tâm từ các cấp, ngành của tỉnh và phụ huynh, học sinh.
Sở GD-ĐT đã tích cực tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 47 hoặc ban hành 1 nghị quyết mới trong thời gian sớm nhất.