Multimedia

Emagazine

Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú: Còn lắm khó khăn, bất cập

E-magazine Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú: Còn lắm khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Trường PTDT Nội trú tỉnh được thành lập năm 1992 nhằm đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số (DTTS) chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh của địa phương. Đối tượng tuyển sinh của trường là con em DTTS, trong đó học sinh dân tộc Bahnar và Jrai chiếm 90%; chỉ tiêu xét tuyển dành 80% cho học sinh các trường PTDT nội trú và 20% từ các trường THCS khác.

 

Theo thầy Võ Thành Nguyên-Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông, trường còn chú trọng triển khai các nội dung giáo dục đặc thù, trong đó có hoạt động giáo dục văn hóa DTTS. Việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh DTTS được nhà trường quan tâm, phân hóa theo năng lực học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình bậc THPT. Nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cũng được thường xuyên tổ chức trong năm học nhằm giáo dục truyền thống, phát triển năng lực học sinh như: hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, đêm thơ-nhạc, ngày hội đọc sách, triển lãm ảnh, ngoại khóa về an toàn giao thông, an ninh học đường…

 

Kông Chro là huyện vùng khó của tỉnh với tỷ lệ đồng bào DTTS khá cao. Do đó, việc thành lập các trường PTDT nội trú, bán trú trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em DTTS theo đuổi giấc mơ con chữ. Ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Kông Chro-thông tin: Toàn huyện có 1 trường THCS dân tộc nội trú và 4 trường PTDT bán trú tiểu học và THCS. Năm học 2020-2021, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện có 150 học sinh/4 lớp, trong đó học sinh Bahnar là 126 em, còn lại thuộc các dân tộc khác. 4 trường PTDT bán trú có 899 học sinh/28 lớp, học sinh DTTS chiếm 93%. Các hoạt động giáo dục trường bán trú, nội trú được tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, phù hợp với tâm sinh lý học sinh DTTS. Tình trạng học sinh bỏ học được kéo giảm, chất lượng dạy và học của các trường nhờ đó được nâng lên rõ rệt.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, những năm qua, hoạt động chuyên môn các trường PTDT nội trú, bán trú trên toàn tỉnh được quan tâm tổ chức thực hiện. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh. Các hoạt động giáo dục ngoại khóa được tăng cường, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Cùng với đó, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được quan tâm; duy trì ổn định hoạt động của bếp ăn tập thể, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. Học sinh vùng sâu, vùng xa được trực tiếp hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, đảm bảo công bằng trong giáo dục vùng miền. Các trường đã thực hiện hiệu quả phương châm “3 tập trung” (nhà ở tập trung, ăn tập trung và quản lý tập trung), “6 hơn ở nhà” (ăn ngon hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, ở tốt hơn, học tập tốt hơn) và “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở).

 

Hàng năm, có khoảng 30% học sinh tại các trường THCS dân tộc nội trú cấp huyện được tiếp tục học trường PTDT nội trú cấp tỉnh, số còn lại học tại các trường THPT trên địa bàn. 2 trường THPT dân tộc nội trú nhiều năm liền có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%; học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học hàng năm đạt trên 80%. Chất lượng giáo dục 2 mặt của các trường THCS dân tộc nội trú, bán trú ở các huyện có sự cải thiện đáng kể. Năm học 2020-2021, có 97,4% học sinh các trường nội trú đạt hạnh kiểm khá trở lên; học lực khá, giỏi chiếm 51,8%, còn từ trung bình trở lên đạt 97%. Riêng các trường PTDT bán trú có 94,3% học sinh đạt hạnh kiểm từ khá trở lên; học lực khá, giỏi chiếm 25%, từ trung bình trở lên đạt 75%.

 

Hiệu quả mang lại từ mô hình trường PTDT nội trú, bán trú là không thể phủ nhận. Thế nhưng, qua nhiều năm triển khai, các trường vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, bất cập.

Theo thầy Võ Thành Nguyên, đối với các trường PTDT nội trú bậc THPT, nếu chỉ tuyển sinh từ các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì không đủ chỉ tiêu được giao vì số lượng học sinh dự tuyển ít. Thêm vào đó, việc tuyển sinh hiện nay của tỉnh chỉ thực hiện theo phương thức xét tuyển, trong khi vẫn phải đảm bảo quy định về tỷ lệ học sinh các dân tộc, tỷ lệ học sinh trường THCS dân tộc nội trú và trường THCS khác nên dẫn đến chất lượng đầu vào còn thấp, không đồng đều giữa các huyện và các dân tộc. Riêng đối với Trường PTDT Nội trú tỉnh, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy-học, nuôi dưỡng, chăm sóc và sinh hoạt cho học sinh được trang bị cách đây gần 30 năm nên đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo tiêu chuẩn hiện nay nhưng vẫn chưa được đầu tư, sửa chữa.

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29-5-2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT thì học sinh nội trú được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và được hưởng 12 tháng trong năm. Tuy nhiên, hiện nay, số tiền này rất khó khăn cho việc phân bổ chế độ ăn uống và chi trả lại cho học sinh sinh hoạt phí hàng ngày. Vì vậy, hầu hết trường PTDT nội trú đều mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh học bổng lên 100% mức lương tối thiểu để có thể đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh.

 

Cơ sở hạ tầng ở các trường PTDT bán trú cũng chưa được chú trọng, đầu tư theo kiểu chắp vá, thiếu đồng bộ. Một số hạng mục cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học như: phòng bộ môn, nhà đa năng… chưa được đầu tư, có nơi được đầu tư thì lại thiếu biên chế giáo viên giảng dạy; phòng ở còn thiếu nên một số học sinh bán trú phải ở ngoại trú. Việc thực hiện công tác xã hội hóa để phục vụ hoạt động giáo dục ở các trường vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, chế độ đối với học sinh trường PTDT bán trú được thực hiện theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ, song nhiều xã sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì học sinh không còn được nhận hỗ trợ theo quy định dẫn đến nhiều trường gặp khó trong việc vận động các em đến trường…

 

Tại Hội nghị giao ban các trường PTDT nội trú và bán trú diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cho rằng, trong thời gian tới, mô hình trường PTDT nội trú, PTDT bán trú cần thay đổi để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng tình hình thực tiễn giáo dục dân tộc. “Việc thực hiện công tác giáo dục dân tộc là nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong ngành Giáo dục mà trong toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là với tỉnh có tỷ lệ DTTS nhiều như Gia Lai. Vì vậy, cần có sự quan tâm, vào cuộc của tất cả các ngành để thực hiện hiệu quả công tác này, từ đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đối với những khó khăn, vướng mắc mà các trường, địa phương đang gặp phải, Sở sẽ nghiên cứu và tùy theo thẩm quyền quản lý để giải quyết, tham mưu trình cấp trên”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

 

 

Có thể bạn quan tâm