Sức khỏe

Cần kiểm soát vệ sinh thực phẩm “nhà làm”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời tiết nắng nóng, tôi tìm đặt mua một ít kem chuối trên kênh Facebook tự giới thiệu là sản phẩm “nhà làm, đảm bảo sạch”. Nhìn hình ảnh bắt mắt cộng thêm những feedback (đánh giá của khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm) do chủ kênh đăng tải, tôi quyết định chọn mua.

Khoảng 30 phút sau khi đặt, một bạn gái đến giao hàng tận nhà. Háo hức mở bì kem, tâm trạng tôi đi từ thất vọng đến lo lắng. Hình thức thật sự không được như trên hình ảnh đăng tải. Phần kem chỉ được bỏ vào một túi kính nhưng không hề bịt kín miệng, không dán nhãn mác, số điện thoại, ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng. Không chỉ vậy, có lẽ vì được để chung trong ngăn tủ đông chứa đồ ăn sống lâu ngày nên phần túi kem bị ám mùi rất khó chịu. Lo lắng vì nếu ăn có thể sẽ bị nhiễm khuẩn do để chung với ngăn thực phẩm sống, tôi đành đem bỏ hết số kem đã mua.

Lần khác, tôi đặt mua 1 kg nem “nhà làm” từ một Facebook của người quen. Khi đem nướng, tôi lại thêm một lần thất vọng khi cây nem bở, nhiều bột và quá ngọt. Mặc dù không hài lòng, song tôi cũng đành tự nhủ có lẽ do không hợp khẩu vị của mình, lần sau không mua nữa là được. Cứ thế, tôi dần mất niềm tin với thực phẩm “nhà làm” được rao bán trên mạng.

Việc người người, nhà nhà dùng mạng xã hội đã khiến cho nền tảng này trở thành nơi bán hàng online khá hữu hiệu đối với những người tập tành kinh doanh, không đủ vốn thuê mặt bằng hay chi trả các chi phí khác, trong đó có mặt hàng thực phẩm. Thực phẩm được rao bán với mác “nhà làm” trên mạng xã hội khá đa dạng. Đặc biệt vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, mặt hàng càng thêm phong phú từ các loại bánh, mứt, chả giò, chả nem, chả chay, xúc xích, lạp xưởng, khô gà, thịt bò khô, mực rim… Các sản phẩm được bày biện, chụp ảnh nhìn rất hấp dẫn, đẹp mắt kèm theo các dòng như những câu “slogan” khẳng định: “không chất phụ gia”, “không chất bảo quản”, “không phẩm màu”.

Trên thực tế, những người bán thực phẩm “nhà làm” đa phần không có chứng nhận của cơ quan chức năng về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ chủ yếu dùng uy tín và sự quen biết của mình để tạo niềm tin cho khách hàng. Vì là “nhà làm” nên các loại thực phẩm hoàn thiện thường không có nhãn mác, không tính toán được hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng cũng như không được lưu trữ thông tin về nguồn gốc thực phẩm. Mua bán bằng... niềm tin nên đôi khi, người tiêu dùng tự đem sức khỏe của bản thân và gia đình ra thử nghiệm. Không ít trường hợp bị đau bụng, buồn nôn, ngộ độc nặng sau khi mua và sử dụng thực phẩm mang nhãn “nhà làm”.

Đã đến lúc cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong quản lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm “nhà làm” trên không gian mạng. Dù là cơ sở nhỏ lẻ nhưng người bán cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần lựa chọn kỹ càng, tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc thực phẩm trước khi đặt hàng để tránh “tiền mất tật mang”.

Có thể bạn quan tâm