Kinh tế

Tài chính

Cần linh hoạt trong tính thuế thu nhập cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 6 năm kể từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng vượt 20%, trong khi ngưỡng chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là sắc thuế phổ biến trên toàn thế giới nhưng cách tính thuế của từng quốc gia lại khác nhau. Với Việt Nam, cách tính thuế không quan tâm tới chỉ số giá tiêu dùng là cách tính “đóng chốt” một cách cứng nhắc. Cũng như vậy, cách tính thuế chỉ dựa trên phần thu của người chịu thuế mà không hề tính đến phần chi của họ cùng những biến động của nó là không hợp lý. Vật đổi sao dời, nhưng thuế TNCN thì giữ nguyên cũng là điều lạ lùng.
Đã tới lúc phải nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Với những người chịu thuế ở bậc 1 (bậc thấp nhất) thì số thu rất thấp nhưng tác động của nó tới người nộp thuế lại rất cao. Lý do là bởi, người nộp thuế bậc thấp nhất đồng nghĩa với có thu nhập thấp nhất. Với mức giảm trừ gia cảnh chỉ 3,6 triệu đồng/người thì như một người phụ nữ nộp thuế đã nói: “Học phí đại học của con tôi khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền ở, tiền ăn và nhiều khoản chi phí khác. Nếu mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng cho một người nộp thuế và 3,6 triệu đồng cho một người phụ thuộc thì không còn phù hợp với tình hình thực tế nữa”.
Trong khi mức lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tính theo từng tháng, từng năm thì ngưỡng chịu thuế lại được ấn định không thay đổi trong nhiều năm, dĩ nhiên thu nhập thực tế của người nộp thuế sẽ bị giảm, ngày càng giảm. Vì vậy, rất cần một cách tính thuế TNCN theo hướng linh hoạt. Cách tính ấy có thể thực hiện được không? Chúng ta luôn nói về “cách mạng 4.0” thì sao một cách tính thuế linh hoạt theo thực tế cuộc sống lại không thể thực hiện được.
Khi xuất hiện dạng dịch vụ công nghệ xe chở khách kiểu Grab hay Uber, ngành Thuế cũng đã “bó tay” vì không biết cách tính thuế như thế nào, dẫn tới thất thu cho Nhà nước những khoản tiền không nhỏ. Nếu đã gọi là “cách mạng 4.0” thì nó phải dành cho toàn xã hội, trong đó có ngành Thuế, chứ không chỉ dành cho một số ngành khoa học kỹ thuật nào đó.
Nếu có cách tính thuế TNCN linh hoạt, dựa vào sự biến động thực tế, dựa vào sự phát triển của kinh tế quốc gia, dựa vào nhu cầu sinh hoạt ngày càng tăng của người nộp thuế thì chắc chắn sẽ khích lệ được người nộp thuế yên tâm lao động và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế TNCN đầy đủ. Ngược lại, thu nhập của người đóng thuế giảm, đời sống của họ ngày càng khó khăn, còn những thành phần phải chịu thuế ở mức cao thì tìm mọi cách để “lánh” hay “trốn” thuế, hoặc đơn giản là tìm cách để tự “làm thấp” thu nhập thật sự của mình xuống, đặng đóng thuế ít đi. So sánh giữa 2 kiểu nộp thuế này sẽ thấy, càng linh hoạt và thực tế bao nhiêu trong đánh thuế thì càng mang lại lợi ích cho quốc gia và cho người nộp thuế bấy nhiêu. Phải làm sao để những người nộp thuế TNCN cảm thấy tự hào vì càng ngày nộp thuế nhiều hơn, bởi thu nhập của mình ngày càng tăng cao hơn, chứ không phải mình kiệt quệ đi vì nộp thuế.
Và không chỉ tăng mức giảm trừ gia cảnh, mức thu nhập của người nộp thuế cũng phải tăng lên, không chỉ vì chỉ số giá tiêu dùng tăng hàng năm, mà vì xã hội ngày càng phát triển, người nộp thuế có quyền được sống với mức sống cao hơn. Nếu cách đây 6 năm là 9 triệu đồng/người/tháng thì nay phải tăng lên, ít nhất là 15 triệu đồng/người/tháng, để những người thu nhập thấp không phải đóng thuế, còn người thu nhập cao thì hãnh diện vì được đóng thuế. Đó chính là cách thu thuế và nộp thuế văn minh, hướng tới sự phát triển chứ không phải cào bằng, tận thu cả những người thu nhập thấp. 
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm