(GLO)- Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 19 vụ xâm hại tình dục trẻ em, tăng 11,77% số vụ so cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trong tổng số 19 vụ xâm hại tình dục trẻ em thì có 10 đối tượng phạm tội chính là người thân trong gia đình, còn lại là người quen. Đây là vấn nạn hết sức tồi tệ, phải có các giải pháp mạnh tay để ngăn chặn.
Nếu nguyên nhân xảy ra vấn nạn một phần do việc quản lý, giáo dục con em của một số gia đình còn buông lỏng thì giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi sẽ khó thực hiện. Bởi lẽ, các bậc phụ huynh phải bươn chải mưu sinh; ngoài thời gian các em ở trường lớp thì láng giềng, hàng xóm, nhất là ở thôn quê, ven đô thị là môi trường để các em giao tiếp, vui chơi mở rộng sự hiểu biết, gửi gắm niềm tin yêu, được cậy nhờ, chăm sóc.
Chả lẽ phải cấm cung trẻ, dạy trẻ luôn có thái độ ngờ vực mọi người, cấm cửa cả người thân vào nhà khi không có người lớn? Những đứa trẻ được nuôi dạy, tuân thủ được điều như vậy sẽ phát triển ra sao cả về tâm hồn và tính cách?
Nguyên nhân xảy ra vấn nạn một phần do các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ, nhất là các em ở độ tuổi dậy thì. Nếu đối tượng xâm hại chính là người thân trong gia đình vốn được các em tin yêu, gần gũi, tuyệt đối tin tưởng thì liệu nội dung kiến thức kỹ năng sống cả thành văn và bất thành văn có đề cập đến? Trẻ em gái thay vì sống hồn nhiên như mọi bạn trai cùng trang lứa chả lẽ phải phong kín tâm hồn bằng những hoài nghi; tâm thế phòng vệ và sẵn sàng chống trả để tự vệ ngay cả với người có huyết thống, gần gũi?
Kỹ năng phòng vệ và tự vệ ư? Trẻ em gái chưa đủ tuổi 13 thì sức vóc có là gì so với những “yêu râu xanh” tuổi trưởng thành, dục tính nổi loạn, trong trạng thái bị kích động bởi phim ảnh đồi trụy, rượu bia, chất kích thích cấm sử dụng? Cá biệt có bé gái tuổi đời còn quá nhỏ, chưa đủ trí khôn để nhận biết điều gì đã xảy ra, chưa có từ ngữ diễn đạt điều gì đã đến (gồm cả những bé gái hạn chế sức khỏe tinh thần) thì lấy đâu ra kỹ năng phòng vệ và tự vệ?
Ảnh minh họa: Internet |
Trẻ em gái dù đủ tuổi 13 trở lên, khi bị đe dọa bằng hung khí phải đối mặt với cái chết, bị đánh đòn đau, bị đe dọa bằng những cái giá phải trả, bị dụ dỗ bằng vật chất… thì buộc phải chấp nhận bị xâm hại, buộc phải giữ im lặng, phải sống trong đau khổ, tủi nhục là điều dễ hiểu!
Trẻ em gái nói riêng, độ tuổi vị thành niên tâm sinh lý phát triển thì việc khám phá bản thân, biết rung cảm trước người khác giới là chuyện hiển nhiên. Rồi hẹn hò cả trực tiếp và gián tiếp (phần nhiều qua không gian mạng), hình ảnh người bạn trai thật/ảo cùng những lời đường mật, hứa hẹn viễn cảnh tươi đẹp, rủ rê những điều hấp dẫn… dễ khiến trái tim non nớt rung động, dục vọng tầm thường bỏng cháy.
Cùng với đó là những thước phim đen dễ dàng truy cập bất chấp lời cảnh báo sự nguy hiểm, không dành cho độ tuổi dưới 18. Và nhà nghỉ, khách sạn lại rất sẵn, “phá rào” quy định tiếp nhận khách đã đưa chân các em đến cạm bẫy “làm chuyện người lớn”. Khi phụ huynh biết chuyện, bản thân các em nhận thức được việc làm sai trái thì sự đã rồi. Giải quyết hậu quả nhưng nỗi đau tâm hồn khó nguôi ngoai!
Luật pháp Việt Nam thời phong kiến (Luật Hồng Đức, Luật Gia Long) xử chết với tội danh loạn luân (cha-con, mẹ-con, nghi án Mỹ Đường, con trai Hoàng tử Cảnh thông dâm với mẹ đẻ là Thừa thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Quyên dưới thời Vua Minh Mạng là ví dụ). Luật tục các dân tộc thiểu số buộc đối tượng phạm tội loạn luân phải ăn trong máng ăn dành cho heo trước sự chứng kiến của cộng đồng làng, buộc phải rời làng sống trong rừng.
Bộ luật Hình sự của Việt Nam năm 2015, tại các điều 142, 144, 145, 146 quy định các mức xử phạt tội danh xâm hại tình dục đối với trẻ em tùy theo mức độ phạm tội. Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức diễn ra thường xuyên, bằng nhiều hình thức, đến với đại đa số người dân. Song, vấn nạn vẫn diễn ra, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gia tăng về số lượng.
Nguyên nhân: Mức xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe? Đạo đức xã hội xuống cấp? Quản lý nhà nước các trang mạng nội dung đồi trụy, đi ngược với thuần phong mỹ tục dân tộc kém hiệu quả? Việc sử dụng chất kích thích (gồm cả chất cấm như ma túy các loại) khó kiểm soát? Theo nhiều người, câu trả lời là các giải pháp “mạnh tay hơn” với hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em.
NGUYỄN ĐÌNH