(GLO)- Trên thế giới có khá nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) tiên tiến, từ mô hình HTX Israel tới mô hình HTX Nhật Bản. Những mô hình ấy và cả cách điều hành của nó rất cần được giới thiệu tại Việt Nam để nông dân tham khảo. Nhưng để có được một mô hình HTX phù hợp với trình độ và điều kiện cụ thể của Việt Nam thì chính người Việt phải tự xây dựng, thiết kế, dĩ nhiên có tham khảo và học tập những mô hình thế giới đã thành công.
Cửa hàng rau sạch của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình (thị xã An Khê). Ảnh: N.M |
Với việc phát triển HTX ở Việt Nam nói chung, ở Gia Lai nói riêng thì hiện tại không nên quá chú trọng về số lượng mà nên tập trung xây dựng những HTX điểm, những mô hình HTX có khả năng lan tỏa và có những thành công trong thực tế. Mô hình HTX kiểu mới thì tư duy của các thành viên cũng phải mới, cách điều hành cũng phải mới và sự năng động tìm đầu ra cho sản phẩm cũng phải mới. Cùng với thành lập và duy trì hoạt động các HTX, rất cần phát triển hình thức nông hội, như tỉnh Đồng Tháp đã phát triển dưới tên gọi “Hội quán”. Những hội quán này hoạt động theo nguyên tắc “3 không” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất), “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định) và “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Hội quán đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian để sinh hoạt, bàn chuyện làng, chuyện xóm, chuyện làm ăn, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản.
Một khi đã có nhiều hội quán được nông dân thành lập và sinh hoạt thì đó sẽ là nền tảng cho những HTX ra đời, được những thành viên tự nguyện tham gia. Dù những hội quán không phải là những HTX, nhưng nó giúp cho những thành viên là nông dân quen với sinh hoạt tập thể, quen với tiếp nhận và xử lý thông tin, sẵn sàng đóng góp kỹ năng, chất xám, sáng kiến cho cộng đồng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Những hội quán ấy sẽ phát huy tinh thần dân chủ, tự chủ và hướng người nông dân tới làm việc theo nhóm, làm việc trong môi trường cần sự hỗ trợ lẫn nhau, trên tinh thần kết nối và chia sẻ.
Hợp tác xã kiểu mới thành lập trên tinh thần thực sự tự nguyện, dĩ nhiên sẽ không áp đặt mà dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Nhưng bao giờ cũng vậy, rất cần những con người có khả năng tập hợp, khả năng kết nối và khả năng đi trước trong khó khăn, tìm tòi học hỏi để có những phương án tốt nhất có thể nhằm phát triển HTX của mình. Một khi đã qua hẳn rồi mô hình HTX kiểu cũ thì HTX kiểu mới phải là cách tập hợp và lao động mới, lấy hiệu quả làm mục tiêu, không chạy theo thành tích kiểu bề nổi. Đây là một tập hợp làm ăn văn minh, mỗi thành viên đều có ý thức trách nhiệm vì HTX, vì đó là “nồi cơm” của mình, thậm chí là sự nghiệp của mình.
Ở Gia Lai, HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) được xem là một mô hình HTX đang đi đúng hướng. Ông Trần Văn Công-Giám đốc HTX-cho biết: “Tại Hội chợ xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh, gian hàng của HTX đã thu hút trên 1.000 lượt khách ghé thăm và trên 50 đối tác có khả năng ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm. Đây là tiền đề quan trọng để kết nối cung-cầu và tìm đầu ra cho sản phẩm”. Một HTX miền núi đã gắn việc sản xuất nông nghiệp với việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, nghĩa là gắn HTX sản xuất với thị trường, hay HTX trở thành một bộ phận của thị trường, từ thị trường trong nước mở ra thị trường quốc tế. Tất cả dựa trên chất lượng và độ sạch, độ an toàn của sản phẩm. Đó là kiểu HTX “2 trong 1”, vừa sản xuất vừa mua bán sản phẩm, biết những sản phẩm nào và chất lượng ra sao thì được thị trường chấp nhận. Hiệu quả vận hành HTX sẽ tính bằng lời lãi mà HTX và các thành viên thu được. Đó là con đường để phát triển HTX bền vững.
THANH THẢO