Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Cần một cái nhìn thực tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 2 năm triển khai, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thực sự là một hoạt động sâu rộng trong đời sống xã hội. Trong cuộc vận động đó, báo chí vừa là đối tượng của cuộc vận động và cũng vừa là thành tố tác động đến các đối tượng khác. Thực tế tuyên truyền cuộc vận động trong hơn 2 năm qua cho thấy một số nhà báo đã “lăn vào cuộc sống”, nhờ vậy mà họ đã có được những tác phẩm “thở cùng hơi thở của cuộc vận động”. Những tác phẩm này đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên khí thế sôi nổi, làm nên sự đồng thuận của xã hội để mọi tổ chức, cá nhân cùng hưởng ứng cuộc vận động... Tuy nhiên, khách quan mà nói thì việc tuyên truyền của báo chí còn một số điều “chưa được” và cần phải thay đổi.

ảnh minh họa
Trước tiên đó là sự quá giống nhau- thậm chí gần như là công thức trong công tác thông tin tuyên truyền. Vẫn biết rằng, nội dung cuộc vận động là chung nhưng thực tế triển khai ở từng địa phương, đơn vị... không thể hoàn toàn giống nhau mà mỗi địa phương, đơn vị phải có đặc điểm riêng của mình; và theo đó, việc triển khai cũng thể hiện rõ nét riêng đó. Chẳng hạn triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ ở doanh nghiệp khác xa với một đơn vị quân đội; ở một khu phố không thể giống như một cơ quan báo chí... Vì vậy việc báo chí đưa tin, bài “nơi nào cũng giống như nơi nào” là điều khó chấp nhận được. Việc đưa tin như thế cho thấy phóng viên không nắm vững cuộc vận động, không sâu sát cơ sở... và điều này dẫn đến hệ quả thông tin về việc triển khai cuộc vận động trở nên khô cứng, nhàm chán, nghèo nàn, tạo cho đối tượng tiếp nhận thông tin cảm nhận cuộc vận động nặng tính hình thức.

Một điều nữa trong thông tin, tuyên truyền của báo chí về cuộc vận động này là có không ít tác phẩm báo chí hô hào suông theo kiểu “gõ chuông, đánh trống”, tô vẽ, ngợi ca đến mức phi thực tế làm cho người nghe, người xem và độc giả tỏ ý nghi ngờ về tính trung thực của báo chí. Không ai phủ nhận rằng, nội dung cuộc vận động vốn rất phong phú, sâu sắc... và cách làm, các bước triển khai cũng được hướng dẫn rõ, khá sát thực tế, thế nhưng một số tác phẩm báo chí lại viết rất hời hợt, nhiều vấn đề thiết thân của cuộc vận động đối với cuộc sống lại được thể hiện khá mờ nhạt trong tác phẩm, thậm chí có tác phẩm nói viết về cuộc vận động song chẳng thấy dính dáng gì đến cuộc vận động.

Nói theo một cách máy móc, đưa thông tin vụn vặt... cũng là vấn đề đáng quan tâm trong công tác tuyên truyền cuộc vận động. Thực tế cho thấy có cán bộ- nhất là cán bộ ở cơ sở nhận thức về cuộc vận động này chưa đầy đủ, thậm chí là chưa chính xác nên nói và làm chưa đúng trọng tâm của cuộc vận động. Thế nhưng một số nhà báo lại nhất nhất “viết theo” một cách đầy tự tin về cách nói và làm của những cán bộ này mà không hề thể hiện chính kiến của mình. Một điều nên tránh trong báo chí đó là kiểu nói chung chung, chẳng sai nhưng cũng chẳng có giá trị thông tin gì. Thiết nghĩ đối với cuộc vận động này, càng thông tin chi tiết thì càng sinh động, càng có sức thuyết phục, đương nhiên, đó phải là những chi tiết có tính điển hình, có tầm khái quát... chứ không thể là cái vụn vặt, cái trùng lặp... không có giá trị thông tin. Những cách tuyên truyền như thế không những không đạt được hiệu quả như yêu cầu đặt ra mà thậm chí phản tác dụng.

Hiện nay cuộc vận động đã chuyển sang giai đoạn “làm theo” và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Việc phản ánh mang tính biểu dương kịp thời những kết quả này là rất cần thiết. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo chí về cuộc vận động lớn này, theo chúng tôi, báo chí cần phải có một cách tuyên truyền phù hợp dựa trên cái nhìn thực tế về cuộc vận động cũng như vai trò của báo chí trong cuộc vận động này. Cần khắc phục những khuyết điểm được nhận diện ở trên; đồng thời quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa cuộc vận động đến tất cả những người làm báo. Trang bị đầy đủ và đúng những kiến thức về cuộc vận động, nâng cao ý thức về trách nhiệm tự thân của một người viết báo cách mạng... thì người làm báo sẽ có đủ trình độ, bản lĩnh để biết rõ mình nên viết cái gì, tiếp nhận và xử lý thông tin như thế nào. Từ đó sẽ tránh được hiện tượng viết không đúng trọng tâm, viết hời hợt, viết mang tính công thức; gán ghép, gượng gạo về cuộc vận động.
Hoàng Đại Huynh

Có thể bạn quan tâm