(GLO)- Ngày 16-4, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đak Nông đã phát hiện một cơ sở chế biến cà phê “bẩn” tại xã Đak Wer, huyện Đak Rlấp do bà Nguyễn Thị Loan làm chủ. Tại hiện trường, cơ quan Công an phát hiện có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin Con Ó, 2 chậu chứa 35 kg pin được đập vụn, 1 xô chứa lõi pin, 1 xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10 kg... Làm việc với cơ quan Công an, bước đầu, bà Loan khai nhận, cơ sở chế biến cà phê này đã hoạt động nhiều năm.
Nguồn nguyên liệu được sử dụng để chế biến cà phê bột là cà phê thải loại, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn... mua tại các đại lý, sau đó dùng lõi pin hòa với nước rồi nhuộm vào cà phê trước khi đóng gói bán ra thị trường. Cũng theo khai nhận của bà Loan, từ đầu năm đến nay, cơ sở đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê loại này.
Ảnh internet |
Không phải đến bây giờ, việc lạm dụng hóa chất độc hại trong chế biến cà phê bột (và cả nhiều loại thực phẩm khác) mới xuất hiện ở nước ta. Bằng chứng là những năm qua, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, chế biến cà phê “bẩn”, trong đó nhiều nhất là ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Ngay tại TP. Pleiku, trong năm 2016 và 2017, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhiều cơ sở có hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến cà phê bột. Tuy nhiên, chưa vụ việc nào lại khiến dư luận phẫn nộ như vụ việc mới được phát hiện tại Đak Nông.
Bởi lẽ, theo các nhà khoa học, việc dùng lõi pin để nhuộm cà phê sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe của người sử dụng như: ngộ độc, ảnh hưởng đến phổi, thận, tim mạch, hệ thần kinh…Vì vậy, trên nhiều tờ báo, không ít độc giả đã thẳng thắn gọi đây là hành vi “giết người hàng loạt”, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với chủ cơ sở này.
Việc chủ cơ sở sử dụng lõi pin để nhuộm cà phê có bị xử lý hình sự như mong muốn của nhiều người hay không còn phải dựa trên kết quả điều tra của cơ quan Công an. Tuy nhiên, qua sự việc này cho thấy, đạo đức của nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta đã xuống đến mức báo động, nếu không muốn nói là nhiều người trong số họ hoàn toàn vô đạo đức. Bởi lẽ, nếu còn có chút lương tâm, đạo đức nào trong người, hẳn họ đã không cố tình sử dụng những hóa chất độc hại, những thứ mà họ biết rằng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, để chế biến thực phẩm như vậy. Đằng này, vì lợi nhuận của bản thân, họ bất chấp tất cả, đẩy người tiêu dùng vào cảnh “sống chết mặc bay”.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại đến sự an nguy của nòi giống, hành vi sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến cà phê còn để lại hậu quả đối với ngành sản xuất cà phê nói riêng, nền kinh tế nước ta nói chung. Trả lời báo chí ngay sau vụ cơ sở chế biến cà phê “bẩn” ở Đak Nông bị phát hiện, ông Trần Thanh Nam-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, thời gian qua, cà phê Việt đã tạo dựng được vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD trong năm 2017 và gần 1 tỷ USD trong quý I-2018, cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. “Đối với thị trường thế giới, qua những vụ việc này sẽ tạo ra một tâm lý chung là lo ngại, ác cảm đối với sản phẩm cà phê đến từ Việt Nam”-Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.
Những ngày này, cả nước đang triển khai “Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm” với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Chỉ cần nhìn vào chủ đề trên cũng đủ thấy, trách nhiệm, đạo đức của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang là vấn đề đáng lo ngại đối với toàn xã hội. Nhưng làm thế nào để tăng cường được trách nhiệm, nâng cao đạo đức của những người này trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm? Đây rõ ràng là một vấn đề không hề đơn giản và chắc chắn không thể đạt được chỉ bằng cách tuyên truyền, vận động mà đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có một cơ chế kiểm tra, giám sát thật sự nghiêm ngặt nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đồng thời, Nhà nước cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Bởi lẽ, với lợi nhuận thu được từ cách làm ăn vô đạo đức này, nhiều người cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chỉ như “muỗi đốt”, không đủ sức răn đe.
Lê Hà