Thực tế, Luật BHXH ban hành vào các năm 2006 và 2014 đều có quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở (LCS - Điều 56, Luật BHXH 2014) hoặc bằng mức lương tối thiểu (LTT) chung (Điều 52, Luật BHXH 2006), trừ một số trường hợp ngoại lệ. Qua đó, đã giúp cho nhiều nhóm lao động khi nghỉ hưu được hưởng chính sách an sinh xã hội tốt hơn vì nếu thấp hơn sẽ được Quỹ BHXH hoặc ngân sách Nhà nước điều chỉnh tăng thêm, bảo đảm ít nhất bằng mức LCS (hiện nay là 1,8 triệu đồng/người/tháng).
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương, mức LCS sẽ bị bãi bỏ. Để phù hợp với định hướng này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) không còn quy định về mức lương hưu thấp nhất. Theo lý giải của ban soạn thảo, mức lương hưu thấp nhất chính là tầng hưu trí xã hội (dự kiến 500.000 đồng/người/tháng). Theo nhiều ĐBQH, nếu sửa luật theo hướng này sẽ kéo lùi tiến bộ an sinh xã hội. Do vậy, Quốc hội, Chính phủ cần bổ sung thêm quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu (thay cho mức LCS sẽ bị bãi bỏ). Mức tham chiếu cụ thể tại thời điểm cải cách tiền lương phải bằng hoặc cao hơn 1,8 triệu đồng/tháng khoảng từ 8%-15% tùy theo tốc độ tăng tỉ lệ lương mới sau cải cách tiền lương.
Có như vậy mới bảo đảm hài hòa giữa thu nhập người đang làm việc với người hưởng lương hưu. Nếu khoảng cách quá xa thì sẽ tạo sự bất bình đẳng trong xã hội, không bảo vệ được nhóm lao động yếu thế. Thực tế, mức 500.000 đồng/người/tháng chỉ tương đương với 33,3% mức chuẩn nghèo thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng và 25% so với mức chuẩn nghèo thu nhập thành thị là 2 triệu đồng. Nếu giữ quy định mức sàn lương hưu tối thiểu ít nhất bằng hoặc cao hơn mức LCS (hoặc mức tham chiếu) thì nhiều lao động yếu thế sẽ được hưởng cuộc sống an sinh, bảo đảm mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Tại thông báo kết luận về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung quy định về mức lương hưu thấp nhất bằng mức tham chiếu đối với NLĐ tham gia BHXH trước ngày 1-7-2025 (dự kiến thời điểm luật có hiệu lực), có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên như nguyên tắc Chính phủ đã thống nhất trước đó. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thuận việc điều chỉnh quy định tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến 20 năm.
Bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động là mục tiêu của việc sửa Luật BHXH. Ngoài mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút NLĐ tham gia BHXH, việc sửa đổi Luật BHXH lần này cũng cần bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho NLĐ đang làm việc và người hưởng lương hưu.