(GLO)- Lời Tòa soạn: Hiện nay, nhiều dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại và đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương.
* P.V: Ông có thể cho biết tình hình triển khai và đưa vào vận hành các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh?
Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Vũ Thảo |
- Ông PHẠM VĂN BINH: Trên địa bàn tỉnh hiện đã triển khai đầu tư xây dựng 17 dự án điện gió với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 50.500 tỷ đồng. Trong đó, 7 dự án được công nhận vận hành thương mại toàn nhà máy với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án được công nhận vận hành thương mại một phần với tổng công suất 117,2 MW và chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại với tổng công suất 287,8 MW; 5 dự án cơ bản hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại với tổng công suất 341,2 MW; 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng, công suất 50 MW. Tổng công suất các dự án điện gió hoàn thành và vận hành thương mại chiếm 47,23% công suất các dự án.
Các dự án điện gió được đưa vào vận hành ổn định đã khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, phát huy nguồn lực đất đai, đảm bảo hiệu quả của các chủ đầu tư, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực có dự án, góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, các dự án còn tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, tăng thu ngân sách, tạo một hình ảnh mới tích cực cho ngành du lịch của tỉnh. Trong năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó, hoạt động đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo là nhân tố tích cực góp phần tạo dư địa tăng trưởng nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, hiện chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió hoàn thành sau ngày 31-10-2021 (bao gồm cả các dự án đã vận hành một phần và chưa vận hành) nên trên địa bàn tỉnh có 629 MW điện gió dù đã hoàn thành nhưng chưa được đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia. Điều này đang gây lãng phí nguồn lực đầu tư rất lớn.
Cánh đồng điện gió Nhơn Hòa 2 (xã Chư Don, huyện Chư Pưh). Ảnh: Hà Duy |
* P.V: Việc nhà đầu tư chờ cơ chế giá bán điện mới khiến họ gặp nhiều khó khăn. Ông đánh giá việc này như thế nào?
- Ông PHẠM VĂN BINH: Việc chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió được hoàn thành sau ngày 31-10-2021 đang làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án. Với suất đầu tư trung bình 1 MW điện gió gần 41 tỷ đồng thì 629 MW có tổng vốn đầu tư khoảng 25.500 tỷ đồng đang bị lãng phí. Trong đó, các dự án sử dụng vốn vay ngân hàng khá lớn. Việc chưa được vận hành gây khó khăn cho chủ đầu tư khi áp lực trả lãi vay ngân hàng.
Theo tính toán, sản lượng điện được phát lên lưới trong 6 tháng đạt khoảng 4,5 tỷ kWh. Tính theo giá bán điện tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì doanh thu đạt khoảng 8.676 tỷ đồng. Điều này cho thấy, thời gian các nhà máy nằm chờ kéo dài sẽ gây lãng phí nguồn điện năng rất lớn. Hiện nay, các chủ đầu tư dự án điện gió rất mong chờ được Chính phủ, các bộ, ngành ban hành cơ chế mới để tháo gỡ khó khăn, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.
* P.V: Sở Công thương đã có kiến nghị về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Ông PHẠM VĂN BINH: Hầu hết các dự án điện gió trên địa bàn đều triển khai trong khoảng thời gian từ đầu năm 2021. Đến giữa năm thì đúng cao điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận chuyển thiết bị cũng như việc đi lại và làm việc của các chuyên gia, kỹ sư, công nhân. Mặc dù được sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng cũng như nỗ lực của chủ đầu tư nhưng những yếu tố khách quan là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án không thể hoàn thành tiến độ trước ngày 31-10-2021 để được hưởng giá FIT theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg.
Sở Công thương đã có văn bản gửi Sở Tài chính về việc hoàn chỉnh, bổ sung báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 phục vụ đoàn giám sát của Quốc hội. Theo đó, Sở kiến nghị sớm ban hành giá bán điện cho các dự án điện gió hoàn thành sau ngày 31-10-2021. Trước mắt, trong thời gian giá bán điện chưa được ban hành, kiến nghị cho phép được đấu nối phát điện lên lưới điện quốc gia và ghi nhận sản lượng phát được. Sau khi giá bán điện được ban hành thì sẽ tính toán và hoàn trả tiền cho các chủ đầu tư. Có như vậy mới tránh được lãng phí nguồn lực đầu tư, lãng phí điện năng trong bối cảnh thiếu điện vẫn đang diễn ra.
Theo Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030, tiềm năng về năng lượng tái tạo rất dồi dào, riêng điện gió có thể phát triển các dự án với quy mô công suất đạt khoảng 11.950 MW. Đến năm 2025, Gia Lai phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới các dự án về năng lượng tái tạo 3.000-3.500 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, Gia Lai đặt mục tiêu thu hút 1.500 MW điện năng lượng tái tạo, đáp ứng cho các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
VŨ THẢO (thực hiện)