Kinh tế

Giá cả thị trường

Xuất khẩu gạo lập kỷ lục mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 10-2024, Việt Nam đã xuất khẩu 800 ngàn tấn gạo, trị giá 505 triệu USD (tăng 29% về lượng và tăng 27,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).

Tính chung 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về 4,86 tỷ USD (tăng 10,2% về lượng và tăng 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023). Đây là kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành lúa gạo Việt Nam, cao hơn khoảng 160 triệu USD so với cả năm 2023.

Theo các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh là nhờ giá gạo xuất khẩu thời gian qua tăng cao. Trung bình trong 10 tháng năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 626,2 USD/tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi khoảng 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo (tăng 72,9% so với cùng kỳ năm 2023). Đặc biệt, trong tháng 10-2024, giá trị nhập khẩu gạo của Việt Nam đạt 148 triệu USD (tăng 225% so với cùng kỳ năm 2023).

Lý giải nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu gạo tháng 10 của Việt Nam tăng đột biến, đại diện các doanh nghiệp cho hay, Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo thế giới giảm mạnh nên các doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh nhập khẩu.

Về thị trường, tính đến hết tháng 10-2024, Philippines là khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, Philippines đã mua 2,91 triệu tấn gạo của Việt Nam (chiếm hơn 79% tổng sản lượng gạo nhập khẩu của Philippines). Tiếp theo là Thái Lan với hơn 457,6 ngàn tấn (chiếm 12,4% tổng sản lượng gạo nhập khẩu của Thái Lan). Xếp vị trí thứ 3 là Pakistan với gần 162,4 ngàn tấn (chiếm 4,5% tổng sản lượng gạo nhập khẩu của Pakistan).

Bộ Nông nghiệp và PTNT dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, kim ngạch cả năm có thể vượt mục tiêu 5 tỷ USD.

1-4705.jpg

Có thể bạn quan tâm