Kinh tế

Cần tăng tốc đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoạt động trao đổi hàng hóa tại thị trường Gia Lai, đặc biệt là vùng nông thôn vẫn chủ yếu thông qua chợ với tỷ lệ trao đổi hàng hóa chiếm khoảng 40-45% so với các loại hình phân phối khác. Song hiện tại, cơ sở hạ tầng của hầu hết các chợ đều chưa được đầu tư đúng mức.

Theo báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 83 chợ, trong đó, khu vực thành thị có 31 chợ, khu vực nông thôn 52 chợ. Trong đó, có 2 chợ hạng I là Trung tâm Thương mại Pleiku và chợ Chư Sê; 8 chợ loại II (Hoa Lư, Trà Bá, An Khê, Chư Prông, Đức Cơ…) và 73 chợ hạng III (bao gồm cả chợ tạm). Tổng số hộ kinh doanh khoảng 8.880 hộ. Trong đó, số hộ kinh doanh cố định trong chợ khoảng 6.120 hộ; số người mua bán không thường xuyên ước khoảng 2.800 người.

 

Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác

Nhìn chung, hệ thống chợ ở Gia Lai được hình thành từ lâu, cơ sở vật chất, nhất là diện tích đất của chợ ở khu vực thành phố, thị xã thường nhỏ, hẹp dẫn tới nhiều chợ không có các công trình như khu xử lý rác thải, công trình vệ sinh, đường ống dẫn nước tới các khu bán thủy-hải sản… Ngay cả Trung tâm Thương mại Pleiku, chợ lớn nhất tỉnh, theo đánh giá của ông Trần Văn Tư-Trưởng ban Quản lý: “Hiện Trung tâm Thương mại vẫn chưa được đầu tư xứng đáng. Số hộ kinh doanh tại đây khá đông nhưng diện tích chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu khiến bà con bán tràn ra đường, gây mất mỹ quan và trật tự đô thị”. Đó là chưa kể những trang bị cần thiết như phương tiện phòng-chống cháy nổ… cũng chưa được đầu tư bài bản.

Ngoài loại hình chợ truyền thống, trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay đã xuất hiện các loại hình thương mại hiện đại với chuỗi các siêu thị phong phú chủng loại, đa dạng các mặt hàng, phần nào đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Cả tỉnh hiện có 13 siêu thị, nhiều nhất là trên địa bàn TP. Pleiku với 8 siêu thị (gồm siêu thị Vinatex. Co.op Mart, siêu thị điện máy, siêu thị vật tư nông nghiệp…); An Khê 2 siêu thị, Chư Sê 2 siêu thị và Ayun Pa 1 siêu thị.

Tuy vậy, theo nhận định của lãnh đạo Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương thì hiện chỉ có 2 siêu thị Vinatex và Co.op Mart và một số siêu thị điện máy, nội thất có hình thức tổ chức đảm bảo văn minh, an toàn, khai thác nguồn hàng ổn định còn các siêu thị khác chỉ ở mức tương đối bởi mặc dù các loại hình thương mại này có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng do liên quan đến nhiều yếu tố nhu cầu mua sắm, nguồn vốn… dẫn đến việc đầu tư (cả về hạ tầng lẫn chủng loại hàng hóa) chưa được đầy đủ.

 

 

Xét về số lượng thì hệ thống chợ lẫn các siêu thị chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hiện tại, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cũng như dành một vị trí đắc địa để tiếp tục xây dựng chợ như Chư Pah (chợ xã Ia Nhin); chợ phía Nam huyện Chư Sê (vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng).

Ông Nguyễn Ngọc Huynh- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Trên cơ sở được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1257/QĐ-UBND về quy hoạch phát triển mạng lưới chợ giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, dự kiến đầu tư, xây dựng mới hơn 80 chợ; cải tạo, nâng cấp khoảng 55 chợ và di dời, giải tỏa 15 chợ. Tổng nguồn vốn dự kiến gần 740 tỷ đồng”. Riêng về vấn đề đầu tư hạ tầng thương mại, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã rất nhanh nhạy và kịp thời nắm bắt thời cơ khi quyết định đầu tư vào dự án Trung tâm Thương mại Pleiku.

Theo đó, dự kiến quy mô dự án gồm 7 tầng với diện tích sàn gần 40.900 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Quy mô rộng lớn của Trung tâm sẽ đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của người dân, sớm chấm dứt tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, theo đó, bộ mặt đô thị chắc chắn sẽ được cải thiện. Đó là chưa kể, với quy mô 7 tầng, chắc chắn sẽ có những dịch vụ “ăn theo” như văn phòng cho thuê và các dịch vụ khác.

Có thể nói, chợ là loại hình thương mại phổ biến, chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành thương mại, việc đầu tư xây dựng chợ đem lại lợi ích trực tiếp cho một bộ phận dân cư tham gia kinh doanh, đồng thời vừa là một công trình phục vụ lợi ích cộng đồng. Vì vậy, việc phải đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong đầu tư xây dựng phát triển chợ, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư, xây dựng chợ, nhất là các chợ vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn là điều hoàn toàn cần thiết.

Do ngành thương mại không được xây dựng theo phương thức BOT nên cần có cơ chế thu hút đầu tư để huy động doanh nghiệp cùng tham gia. Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển thương mại cần ưu tiên cho xã nông thôn mới, khu công nghiệp có đông đảo công nhân lưu trú. Đồng thời, đòi hỏi tỉnh phải có những cơ chế đặc thù, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thương mại đứng ra làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh chợ.

Việc cùng lúc nâng cấp tất cả các chợ trên toàn tỉnh là điều không thể, bởi vậy, nên chia giai đoạn, lựa chọn nhà đầu tư.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm