Sức khỏe

Cẩn thận với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, tình trạng mua bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu đang ngày càng nhiều, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và cũng là mối nguy hại đe dọa sức khỏe người dùng.
Hiện nay, mỹ phẩm được bày bán rất nhiều trên thị trường từ cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm, ki ốt trong chợ, các cơ sở làm đẹp cho đến các kênh online. Hàng hóa phong phú từ loại nhập khẩu chính hãng, xách tay đến sản xuất trong nước với mức giá đa dạng từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng một sản phẩm. Vì mỹ phẩm rất đa dạng chủng loại và nhiều hãng sản xuất nên một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại Gia Lai không chuyên một hãng sản xuất và một loại sản phẩm. Do không có sẵn ở cửa hàng loại sản phẩm mình cần, buộc người tiêu dùng phải tìm đến các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để mua. Từ đó rất khó xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Có thói quen mua hàng qua sàn thương mại điện tử Shopee, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ kinh nghiệm: “Với mỹ phẩm thì phải chọn mua ở các gian hàng chính hãng trên sàn thương mại điện tử hoặc Fanpage mới yên tâm được. Với lại khi mình sử dụng mỹ phẩm dưỡng da phải nên tìm hiểu thật kỹ về các thành phần trong đó, xem có hợp với loại da của mình hay không, lúc đó mới mua”. Theo chị Nhung, trên thực tế, có rất nhiều người vì muốn được đẹp nhanh khi sử dụng nên đã bỏ tiền ra mua các sản phẩm được người bán quảng cáo rầm rộ như "thần dược". Họ mua phải sản phẩm trôi nổi, hoặc có khi là hàng giả về sử dụng mà không hề biết, đến khi qua một vài lần sử dụng, da kích ứng nổi mụn, bong tróc hoặc sưng tấy mới tá hỏa.
Việc bán đa dạng các loại mỹ phẩm chính hãng sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Ảnh: Vũ Thảo
Với nhiều người tiêu dùng, việc chọn mua mỹ phẩm ở các cửa hàng chính hãng sẽ giúp họ yên tâm hơn khi sử dụng. Chị Nguyễn Thị Duyên-quản lý cửa hàng mỹ phẩm Halo (đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku)-cho biết: “Cửa hàng Halo đã mở ra được 8 năm với nhiều thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu. Hàng hóa nhập về đều là hàng chính hãng, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Với uy tín của mình, cửa hàng đã có một lượng khách hàng tương đối ổn định. Ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng, Halo cũng có nhiều gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn để phục vụ khách hàng”.
Với nhiều tiện ích mang lại, thương mại điện tử đã trở thành kênh mua bán với đa dạng hàng hóa, trong đó mỹ phẩm là một mặt hàng bán rất chạy. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi để các đối tượng lợi dụng bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Hiện nay, nhiều shop bán online còn tung chiêu khuyến mãi, giảm giá, đăng tải hình ảnh trước và sau khi sử dụng, thuê người nổi tiếng livestream bán hàng… nhằm kích thích nhu cầu của người mua. Nếu không tỉnh táo hoặc thiếu sự kiểm chứng và hiểu biết về sản phẩm, người tiêu dùng rất dễ bị lừa.
Ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-cho biết: “Thời gian qua, khi công tác kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực thương mại điện tử thực hiện gắt gao thì những người bán hàng cũng dè chừng hơn, chứ không chủ quan như trước. Các vụ việc bị phát hiện chủ yếu là qua livestream bán hàng, mà những người bán thường tìm cách đối phó với ngành chức năng bằng cách tổ chức vào ban đêm, liên tục thay đổi địa điểm livestream, kho hàng cất giấu một chỗ, địa điểm thực hiện livestream lại là chỗ khác, do đó việc kiểm tra kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý Thị trường tỉnh đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát các cá nhân kinh doanh nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm đối với mặt hàng mỹ phẩm”.
Trong 8 tháng, Cục Quản lý Thị trường tỉnh đã kiểm tra và xử lý 16 vụ vi phạm; phạt tiền hơn 244 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 255 triệu đồng; tịch thu 470 lọ sơn móng tay các loại; 388 cây son môi các loại; 36 lọ son dưỡng môi; 13 hộp phấn trang điểm; 21 hộp kem dưỡng da các loại; 12 hộp kem chống nắng; 18 chai nước hoa các loại; buộc tiêu hủy 100 miếng mặt nạ dưỡng da; 24 hộp dầu hấp tóc; 716 chai nước hoa các loại; 216 hộp kem dưỡng da Johnson's; 140 chai sữa tắm Johnson's…
Qua kiểm tra cũng cho thấy, cùng là một nhãn hiệu nhưng hàng chính hãng có giá 500-700 ngàn đồng/món hoặc có khi lên đến tiền triệu, thì hàng giả mạo nhãn hiệu giá rất rẻ, chỉ từ vài chục ngàn cho đến khoảng 200 ngàn đồng/món là cao. Mỹ phẩm giả thường chứa những chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng.
“Người tiêu dùng cần phải xác định rằng mua mỹ phẩm là để dùng vì đây là nhóm sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, do đó nên lựa chọn các cửa hàng, địa điểm bán uy tín, kiểm tra thông tin sản phẩm thật kỹ, cũng như tìm hiểu xem thương hiệu có được tin dùng hay không, hàng có đảm bảo các quy định về ghi nhãn hàng hóa hay không; đồng thời yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn, chứng từ để xác định có phải hàng chính hãng hay không… Nếu mua online phải chọn những sàn thương mại điện tử uy tín, chọn các đơn vị có kênh phân phối chính thống đăng ký với Bộ Công thương, còn mua qua mạng xã hội sẽ rất khó để kiểm chứng điều này”-ông Hà khuyến cáo.
VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm