(GLO)- L.T.S: Sau khi đăng loạt bài “Thảm họa từ tai nạn giao thông”, Gia Lai online đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả trong tỉnh. Báo Gia Lai trích đăng một số kiến.
* Ông Nguyễn Đức Lực- Hiệu trưởng Trường THCS Kpă Klơng, xã An Trung, huyện Kông Chro:
Loạt bài “Thảm họa từ tai nạn giao thông” rất bổ ích. Nó lên tiếng cảnh tỉnh những người tham gia giao thông về hậu quả của tai nạn giao thông (TNGT). Bởi khi đã tham gia giao thông thì từ nạn nhận đến những người gây tai nạn đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Tai nạn giao thông phần lớn là do ý thức của người tham gia giao thông, vậy nên tôi nghĩ Báo Gia Lai cần thường xuyên tuyên truyền về vấn đề TNGT để người đọc tự ý thức hậu quả, cùng nhau tham gia giao thông một cách an toàn hơn. Không chỉ hưởng ứng Ngày tưởng niệm các nạn nhân TNGT (19-11), mà Báo nên đăng mỗi tuần một bài về hậu quả không thể lường trước được của TNGT để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
* Chị Ksor H’yuên-Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn:
Tôi rất đồng tình với loạt bài về thảm họa tai nạn giao thông vừa đăng trên Báo Gia Lai. Cần có những bài viết phản ánh sâu sắc về số phận từng con người mới đủ sức đánh thức lương tâm của những người tham gia giao thông.
Tôi từng chứng kiến nhiều tai nạn giao thông mà hậu quả thật khủng khiếp. Nhiều vụ việc được Báo Gia Lai đưa tin kịp thời. Tuy nhiên, theo tôi, Báo cần phản ánh sâu hơn nữa phía sau mỗi vụ tai nạn để có sức lay động, cảnh tỉnh nhiều hơn. Chẳng hạn khi đưa tin những vụ tai nạn gây hậu quả chết người hoặc làm người khác tàn phế, sau đó cần có thêm bài viết đi sâu vào số phận của cả người bị nạn lẫn người gây tai nạn. Gia đình, bạn bè, thậm chí người dân nói gì về những vụ việc này, cảm xúc, thái độ của họ ra sao.
Hơn nữa, pháp luật trừng trị những người gây tai nạn như thế nào cũng cần thông tin để bạn đọc nắm bắt kịp thời. Bên cạnh đó, hình ảnh về những vụ TNGT cũng nên đăng tải nhiều hơn để người dân thấy được mức độ nghiêm trọng của nó… Báo nên tuyên truyền nhiều chiều, đầy đủ thông tin liên quan sau mỗi vụ tai nạn sẽ khiến người đọc ấn tượng sâu sắc hơn về hậu quả khủng khiếp của TNGT, từ đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.
* Chị Nguyễn Thị Bảo Ngân-Bí thư Thành đoàn Pleiku:
Những số phận nêu trong loạt bài về thảm họa giao thông chỉ là số ít trong rất nhiều gia đình là nạn nhân đau khổ của vấn nạn này, nhưng là một sự cảnh báo nghiêm khắc đối với người tham gia giao thông hiện nay.
Để góp phần giảm thiểu TNGT, thời gian qua tuổi trẻ TP. Pleiku đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực chung tay cùng cả tỉnh đẩy lùi vấn nạn này. Mới đây nhất, tuổi trẻ thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng 3 tuyến đường thanh niên kiểu mẫu trên địa bàn thành phố với các tiêu chí rõ ràng như: không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép; không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ; không vứt rác bừa bãi…
Tiếp theo, Thành đoàn sẽ triển khai mô hình này rộng rãi ở 23 xã, phường và ở mỗi địa phương, sẽ có một tuyến đường do đoàn viên thanh niên tự quản.
Để góp phần giảm thiểu TNGT, cần sự ý thức của mỗi cá nhân, cộng đồng chứ không phải một cá nhân riêng lẻ nào.
Nguyên Bình-Văn Ngọc (ghi)