(GLO)- Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, hoạt động “tín dụng đen” còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người vay cũng như gây ra những hệ lụy đối với trật tự an toàn xã hội. Nâng cao ý thức phòng ngừa được xem là giải pháp quan trọng nhất hiện nay đối với vấn đề này.
Ảnh minh họa |
Hoạt động “tín dụng đen” đang diễn ra rất đa dạng, hình thức phong phú. Thông qua nhiều hình thức, từ phát, dán tờ rơi nơi công cộng cho đến sử dụng mạng xã hội, đối tượng có tài sản cho vay tìm mọi cách tiếp cận người cần vốn. Để “giải ngân” dễ dàng, các đối tượng này đưa ra những điều kiện vay tiền hết sức “dễ dãi”. Người có nhu cầu vay tiền sẽ nhận được những lời mời chào rất thiện chí, như: Cho vay không cần thế chấp, chỉ cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe... có thể vay từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng; hình thức thanh toán linh hoạt, từ trả góp hàng ngày đến trả theo thời hạn từ 1, 2 hoặc 3 tháng/lần; “nhận tiền sau 15 phút”… Một số đối tượng cho vay có vẻ chặt chẽ hơn khi yêu cầu phải thế chấp một số loại giấy tờ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Với nội dung quảng cáo như trên, điều kiện vay vốn sản xuất, tiêu dùng qua “tín dụng đen” dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều so với vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Nhưng thực tế là để vay được tiền từ các đối tượng này, người đi vay vẫn phải thế chấp. Những hợp đồng cho vay thường không rõ ràng (thỏa thuận miệng là chủ yếu), trong điều khoản ràng buộc bên vay vốn không khác gì cầm cố tài sản.
Sau khi vay được nguồn vốn này, lập tức người vay rơi vào bẫy lãi suất cao và những ràng buộc kiểu “luật rừng”. Với lãi suất cao, người vay tiền khó có khả năng chi trả. Lúc này, đối tượng cho vay lộ diện “xã hội đen”, sẵn sàng đe dọa, đánh đập, bắt giữ, đập phá, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân... Trên địa bàn TP. Pleiku đã xảy ra không ít vụ án mà nguyên nhân xuất phát từ việc vay nợ “tín dụng đen”.
Việc vay tiền giữa cá nhân với nhau là quan hệ dân sự và không phải hành vi bị cấm. Hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi việc cho vay được xác định là có lãi suất vượt quy định và có tính chất bóc lột. Qua các vụ án đã xảy ra, theo các cơ quan chức năng, để tìm hiểu được mức lãi suất cho vay trong hoạt động “tín dụng đen” tại thời điểm tiến hành giao dịch rất khó khăn. Các đối tượng cho vay không bao giờ ghi chỉ số lãi suất vào giấy tờ vay nợ mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay. Những chủ nợ này cũng thường khấu trừ luôn tiền lãi vào số tiền gốc ngay khi giao tiền nên người vay không bao giờ cầm đủ số tiền thực vay trong “hợp đồng”. Hành vi người cho vay tiền có tính chất “chuyên bóc lột” còn khó chứng minh hơn nhiều… Đó chính là nguyên nhân khiến những vụ cho vay với lãi suất “cắt cổ” chỉ bị phát giác khi mà hậu quả đã thành những hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Lúc này, việc xử lý hình sự đối với các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ áp dụng cho các hành vi như “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cố ý gây thương tích”…
Thực tế nhu cầu vay vốn của nhân dân hiện rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu vay vốn của người dân, từ sau Tết Nguyên đán trở lại đây, tại 3 làng (làng Ngó, làng Ngol, làng Khươn, phường Trà Bá, TP. Pleiku) đã xuất hiện đầy rẫy những tờ quảng cáo vay vốn dán ở đầu làng, trụ điện, tường rào ngõ hẻm.
“Tín dụng đen” là một vấn đề, liên quan trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên trách cần phải tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho vay nặng lãi để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, kết hợp với việc bóc xóa những tờ rơi quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị.
Ama Săk