Kinh tế

Nông nghiệp

Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển cây dược liệu, toàn tỉnh có hơn 7.798 ha cây dược liệu, tăng khoảng 6.813 ha so với năm 2020.

Dù diện tích tăng mạnh, hiệu quả kinh tế thấy rõ song việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được như kỳ vọng do chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu.

Hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua, huyện Chư Sê tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trồng cây dược liệu. Từ 720 ha vào năm 2019, đến nay, toàn huyện đã có khoảng 962 ha cây dược liệu như: nghệ, gừng, sả, đinh lăng, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, cây hoa hòe…

Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Chư Sê có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu. Năm 2020, huyện đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu giữa HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh với 13 hộ dân tại xã Al Bá, Ia Hlốp và Ia Tiêm với diện tích 16,2 ha.

Ngoài ra, huyện có 2 dự án trồng dược liệu đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Sê của Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc tại xã Ia Glai với diện tích 144,4 ha, tổng vốn đầu tư 169 tỷ đồng; Dự án trồng và sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Công ty cổ phần Dược liệu Chư Sê tại xã Ia Tiêm, quy mô 49,7 ha, tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

Cùng với đó, UBND huyện đã hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu với tổng kinh phí 648 triệu đồng trên diện tích 16,2 ha.

trang-trai-hoa-hoe-o-lang-u-diep-xa-kong-htok-cua-ong-dao-tien-tinh-phat-trien-xanh-tot-va-cho-thu-hoach-quanh-nam-anh-ngoc-sang.jpg
Trang trại hoa hòe ở làng U Diếp (xã Kông Htok, huyện Chư Sê) của ông Đào Tiến Tình phát triển xanh tốt và cho thu hoạch quanh năm. Ảnh: Ngọc Sang

Năm 2020, ông Đào Tiến Tình-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát (huyện Chư Sê) đưa giống hoa hòe từ tỉnh Thái Bình vào trồng thử nghiệm tại xã Kông Htok. Sau hơn 10 tháng xuống giống, vườn cây phát triển tốt, cho thu hoạch vụ đầu tiên.

Năm 2022, thấy cây hoa hòe thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Gia Lai nên ông đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, Công ty đã có 50 ha cây hoa hòe tại huyện Chư Sê và huyện Mang Yang. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với một số hộ dân ở huyện Chư Sê trồng khoảng 30 ha cây hoa hòe.

Ông Tình cho hay: Bình quân 1 ha trồng được khoảng 1.200 cây hoa hòe. Để tiện cho việc chăm sóc, ông đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và canh tác theo hướng hữu cơ. Cây hoa hòe khi ra hoa thì cho thu hái quanh năm. Kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản, chủ yếu là bón phân, làm cỏ, tưới nước và cắt cành. Cây sinh trưởng và phát triển ổn định, tuổi thọ trên 10 năm.

“Hoa hòe là cây dược liệu quý. Mỗi năm, 1 ha hoa hòe đầu tư hết khoảng 100 triệu đồng. Năm đầu, khi tán cây còn nhỏ, năng suất chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha. Những năm tiếp theo, vườn cây sẽ cho năng suất 2-5 tấn/ha. Hiện nay, giá nụ hoa hòe khoảng 100 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, 1 ha hoa hòe cho lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích và liên kết với người dân để trồng và bao tiêu sản phẩm cây hoa hòe”-ông Tình cho biết thêm.

mo-hinh-trong-nam-linh-chi-do-duoi-tan-rung-cua-htx-dich-vu-nong-nghiep-nui-co-xa-ia-ka-huyen-chu-pah.jpg
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Ảnh: L.N

Cũng chọn hướng làm giàu từ cây dược liệu, năm 2022, HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đã đầu tư trồng 1 ha nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai ở xã Ia Ka.

Ông Hồ Văn Hiếu-Phó Giám đốc HTX-thông tin: Sau khi trồng khoảng 4 tháng, nấm linh chi bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm thu 3 đợt.

Với 1 ha, HTX thu hoạch được 2 tạ nấm khô/năm. Hiện tại, giá nấm linh chi đỏ khoảng 2,5 triệu đồng/kg khô. Sau khi trừ chi phí đầu tư, HTX thu lợi nhuận 300-400 triệu đồng. Việc trồng nấm dưới tán rừng còn góp phần giảm chi phí chăm sóc, bảo vệ rừng.

“Để nâng cao giá trị nấm linh chi đỏ, HTX đã chế biến các sản phẩm như: cao sơn dương nấm linh chi, rượu nấm linh chi, trà nấm linh chi và nấm linh chi sấy khô.

Hiện tại, HTX có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm: cao nấm linh chi, nấm linh chi đỏ Núi Cờ và rượu nấm linh chi đỏ. Đồng thời, HTX xây dựng được mã số vùng trồng nấm linh chi đỏ với diện tích 0,6 ha”-ông Hiếu chia sẻ.

Cần xây dựng chuỗi liên kết

Toàn tỉnh có 9 sản phẩm dược liệu đạt OCOP 4 sao và 46 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, tỉnh có 4 cơ sở chế biến dược liệu gồm: Cụm nhà máy chế biến dược liệu thực phẩm Trường Sinh và Dự án nghiên cứu, hoàn thiện đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến dược liệu tại Khu Công nghiệp Trà Đa của Công ty TNHH Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh; Nhà máy chế biến dược liệu tại Khu Công nghiệp Trà Đa của Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai; Nhà máy chiết xuất tinh chất hoa hòe, dược liệu tại Cụm Công nghiệp An Khê; Nhà máy chế biến dược liệu và nông sản Tây Nguyên tại Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Xác định việc phát triển cây dược liệu phù hợp với thế mạnh của địa phương, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025.

Nghị quyết đề ra mục tiêu phát triển khoảng 500 ha cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao và xác định đây là cây trồng chủ lực.

Đồng thời, huyện hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến dược liệu; nghiên cứu ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại sản xuất nguyên liệu làm thuốc có giá trị kinh tế cao.

Còn theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang: Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 140 ha cây dược liệu. Trong đó, người dân trồng tập trung và trồng dưới tán rừng các loại dược liệu như: sa nhân tím, sâm đá, đương quy, đinh lăng, gấc, nghệ…

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu trên đất rừng, đất nông nghiệp, từ đó hình thành vùng trồng dược liệu tập trung. Đồng thời, huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

mo-hinh-trong-cay-ca-gai-leo-o-huyen-chu-pah.jpg
Mô hình trồng cây cà gai leo ở huyện Chư Păh. Ảnh: L.N

Tương tự, ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho biết: Tổng diện tích cây dược liệu trồng trong 5 năm qua của huyện là 558,8 ha. Các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đã quan tâm đầu tư chế biến sâu sản phẩm dược liệu. Toàn huyện có 8 sản phẩm dược liệu được chứng nhận OCOP 3 sao.

Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; chưa đầu tư phát triển được vùng trồng tập trung đối với các loại dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu theo chuỗi giá trị, chế biến sâu để tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới”-ông Quang thông tin.

san-pham-nam-linh-chi-do-nui-co-dat-ocop-3-sao-duoc-dua-den-phien-cho-nong-san-an-toan-de-gioi-thieu-va-quang-ba-voi-du-khach.jpg
Sản phẩm Nấm linh chi đỏ Núi Cờ đạt OCOP 3 sao được đưa đến phiên chợ nông sản an toàn để giới thiệu và quảng bá với du khách. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, việc phát triển cây dược liệu đang đi đúng hướng. Nhiều loại dược liệu thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và cho thu nhập cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang từng bước hình thành một số vùng trồng dược liệu tập trung tại thị xã An Khê, huyện Kbang, Chư Sê, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Pưh và đã hình thành được một số mô hình trồng dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, tỉnh có một số HTX chuyên trồng, chế biến dược liệu; thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến dược liệu.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa được như kỳ vọng. Bởi lẽ, tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển cây dược liệu như: đa đạng nguồn giống, khí hậu, đất đai thuận lợi nhưng việc áp dụng công nghệ vào chế biến sâu chưa nhiều.

Ngoài ra, tỉnh có diện tích rừng lớn nhưng việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng còn ít, chưa kêu gọi được các doanh nghiệp vào đầu tư.

“Để phát triển bền vững cây dược liệu nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung cần bảo đảm 10 yếu tố. Trong đó, doanh nghiệp nắm 4 yếu tố (máy móc công nghệ, vốn, trình độ quản lý, thị trường); nông dân nắm 2 yếu tố (đất đai và lao động); Nhà nước nắm 4 yếu tố (cải cách hành chính, quy hoạch, chính sách, đầu tư hạ tầng).

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX. Có như vậy, chúng ta mới hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm