Ngày 14.2, trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai xác nhận thông tin trên và cho biết thêm, việc đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê đã thực hiện từ 2 năm nay.
Theo tìm hiểu, công nhân ở đây nhận khoán vườn cây cà phê từ nhiều năm qua với hình thức tự chăm sóc vườn đến khi thu hoạch và đóng sản lượng cho công ty. Công ty thay mặt công nhân đóng bảo hiểm xã hội. Số tiền này sau đó được công nhân đóng lại cho công ty.
Nhiều năm qua, việc đóng bảo hiểm xã hội đều diễn tiến như vậy. Song trong 2 niên vụ gần đây, khi giá cà phê tăng cao, công nhân bị công ty yêu cầu đóng bảo hiểm bằng sản lượng cà phê ở mức hơn 1,7 tấn/người/năm và tùy bậc lương, họ phải đóng thêm bằng tiền ở mức 5 - 10 triệu đồng/người.
Nhiều công nhân bức xúc mức đóng như vậy là bất thường và bất hợp lý bởi theo giá thị trường, 1,7 tấn cà phê hiện có giá dao động trên dưới 43 triệu đồng, trong khi người có bậc lương cao nhất (bậc 6), tổng số tiền đóng bảo hiểm chỉ rơi vào khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Như vậy, tổng số tiền từ sản lượng cà phê mà công ty buộc công nhân đóng vào cao hơn nhiều so với mức đóng bảo hiểm xã hội hằng năm theo quy định.
![Công nhân bức xúc khi bị buộc đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê. ẢNH: TRẦN HIẾU Công nhân bức xúc khi bị buộc đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê. ẢNH: TRẦN HIẾU](https://cdn.baogialai.com.vn/images/c95cdd41465dfb6cc90976b7f4d271600adcd1d96dc4a839073d167ff9d9811feb4d63c00477b673c3bfda6f08cd0d2af5cdb92cbba43dfa36b7cbfd41c0216f9f0a976192a53bffd92e00fdf3de2fa350d39b57d2e79d72a1b6dc2dd7866221/5f13f8c984bd3ae363ac-1739507798500602757047.jpg)
Công nhân N.H.Đ cho biết nếu chăm sóc tốt và có vườn cây tốt, mỗi niên vụ thu hoạch khoảng 13 - 15 tấn/ha. Sau khi trừ các chi phí như nước tưới, công làm cỏ, phân bón… và đóng khoán cho công ty, họ chỉ còn được vài tấn. Nhiều vườn cây như lấy công làm lãi. Với mức đóng bảo hiểm như công ty đặt ra như trên, người lao động có thu nhập chẳng bao nhiêu dù giá cà phê trong 2 niên vụ qua tăng cao bất thường.
Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp, Công ty Cà phê Ia Sao 1, cho biết việc thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê là có. Hiện công ty đang có vài trăm công nhân nhận khoán vườn. Phương án thay đổi thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê, công ty đã trao đổi với người lao động và được Tổng công ty cà phê Việt Nam chấp thuận mới đưa vào triển khai.
Lý giải việc thu bảo hiểm xã hội theo phương án này, ông Tráng nói rằng do trước đây nhiều hộ nhận khoán không đóng tiền bảo hiểm dẫn tới tình trạng nợ đọng kéo dài. Việc quy sản lượng đóng bảo hiểm được tính trên giá thành sản xuất với khoảng 10.000 đồng/kg nhưng thực tế giá thị trường khoảng 25.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Tráng, số tiền chênh lệch sau khi làm nghĩa vụ cho phía bảo hiểm xã hội được nhập vào doanh thu của doanh nghiệp. Khi tính phương án thu, công ty đã dựa trên giá thành bởi giá thị trường dao động tùy từng thời điểm không dự đoán được. Nếu giá cà phê thị trường thấp hơn giá thành sản xuất, công ty sẽ bù vào để đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân cho đủ.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, mức thu bảo hiểm xã hội của 2 công ty cà phê này được căn cứ trên bậc lương công nhân để đóng hằng năm.
Theo đó, tại Công ty cà phê 706, mức thu bảo hiểm xã hội áp dụng năm 2024 cho bậc lương thấp nhất khoảng 17 triệu đồng/người. Đối với công nhân có bậc cao nhất đóng khoảng 30 triệu đồng/người. Còn Công ty cà phê Ia Sao 1, mức thu bảo hiểm xã hội bình quân năm 2023 khoảng 23,8 triệu đồng/người. Nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thu bằng tiền, tuyệt đối không thu bằng cà phê.
Theo TRẦN HIẾU (TNO)