Xã hội

Lao động - Việc làm

Cảnh báo tai nạn lao động trong ngành xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 12 vụ tai nạn lao động, làm chết 7 người, bị thương 2 người. Trong đó, tai nạn lao động ngành xây dựng chiếm tỷ lệ 15%.

Qua tìm hiểu tại các công trình xây dựng trên địa bàn TP. Pleiku, chúng tôi bắt gặp nhiều lao động làm việc dưới nắng nóng, độ cao nhưng chưa được trang bị bảo hộ chu đáo, cần thiết. Thậm chí có người làm việc ở độ cao 15-20 m nhưng không có dây đai an toàn, mũ bảo hộ.

Anh Nguyễn Văn Tùng (trú tại đường Phùng Khắc Khoan, TP. Pleiku) cho biết: “Cách đây hơn 1 năm, tôi bị ngã giàn giáo từ tầng 2 xuống đất. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng do đầu va vào vật cứng nên bị chấn thương và bị gãy tay trái phải phẫu thuật nẹp đinh. Sau hơn 10 tháng chữa trị, tôi quay lại làm việc nhưng không còn đủ sức khỏe để làm thợ cả mà chỉ phụ để có thu nhập trang trải cuộc sống”.

Anh Nguyễn Trung (đường Đồng Tiến, TP. Pleiku) kể về sự việc ngã giàn giáo của mình. Ảnh: Đ.Y

Anh Nguyễn Trung (đường Đồng Tiến, TP. Pleiku) kể về sự việc ngã giàn giáo của mình. Ảnh: Đ.Y

Theo anh Tùng, chủ thầu thỉnh thoảng nhắc nhở anh em tự mua đồ bảo hộ lao động cho mình. Tuy nhiên, anh em không mua, không sử dụng, chủ thầu cũng không bắt buộc. Có chủ thầu chủ động trang bị bảo hộ cho người lao động nhưng trong quá trình làm việc vì cho là vướng víu nên có người dùng, người không.

Vẫn còn đau nhức do vết thương trên mình, anh Nguyễn Trung (trú tại đường Đồng Tiến, TP. Pleiku) chia sẻ: “Hơn 2 tháng qua, kể từ khi chân bị tai nạn trong quá trình làm việc, tôi còn rất mệt và vẫn chưa đi lại được. Giá như tôi cẩn trọng đeo dây đai bảo hộ lúc làm việc thì không tồi tệ như thế này. Thời điểm bị tai nạn, chủ thầu không hỏi thăm, động viên, hỗ trợ chút ít tiền bạc, trong khi toàn bộ viện phí lên đến gần 20 triệu đồng, gia đình tôi phải tự lo liệu”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh) cho hay: Tai nạn lao động trong ngành xây dựng chủ yếu do người lao động chưa được đào tạo nghề một cách căn bản. Phần nhiều họ là lao động tự do, nông dân đi làm thêm trong lúc nông nhàn. Do đó, khi không may xảy ra tai nạn, người lao động thường chịu hậu quả nặng nề. Nếu chủ thầu thờ ơ, thiếu trách nhiệm thì người lao động lại phải tự giải quyết, tự bảo vệ tính mạng của mình.

Ông Nguyễn Ngọc Minh-Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh-cho biết: Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh và các đơn vị thành viên Hội đồng An toàn vệ sinh lao động cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Sở Xây dựng lập các đoàn thanh-kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động, nhắc nhở chủ sử dụng lao động chú ý an toàn khi thi công, kiểm định máy móc, thiết bị theo quy định. “Lao động làm nghề xây dựng nặng nhọc, vất vả, nhiều trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nếu để xảy ra tai nạn lao động thì thiệt thòi lớn nhất là người trực tiếp lao động, sau là vợ con họ. Ngoài đánh cược mạng sống trên những công trình xây dựng, người lao động nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm y tế thì khi gặp sự cố, họ có thể bị đẩy vào tình cảnh bi kịch, túng quẫn”-ông Minh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm