Pháp luật

Góc cảnh báo / Chống tin giả

Canh cánh nỗi lo bị lừa đảo trên không gian mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau những cú lừa mời chào làm cộng tác viên trên TikTok, trúng thưởng, cố tình chuyển nhầm tiền ép vay, giả danh cán bộ viễn thông, Công an, nhân viên ngân hàng hỗ trợ kỹ thuật, tuyển mẫu ảnh nhí, gọi điện thông báo người thân bị tai nạn giao thông… thì gần đây, các đối tượng lừa đảo lại chuyển sang phương thức mới.

Đơn cử như: giả danh các Fanpage của Vietjet Air tuyển cộng tác viên làm việc online nhập dữ liệu theo mẫu với mức lương 50-100 ngàn đồng/giờ; tuyển cộng tác viên chỉnh sửa văn bản, nhập dữ liệu văn bản; tuyển kế toán thời vụ làm việc từ xa được trả công cuối ngày; tuyển người review sản phẩm, review ẩm thực...
Và, viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng tại nhà vẫn luôn hấp dẫn và rình rập những người nhẹ dạ cả tin hoặc những người thu nhập bấp bênh đang muốn có việc làm. Không những vậy, đối tượng lừa đảo còn đánh vào tâm lý của phụ nữ, nhất là những chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, mong muốn con mình được tỏa sáng khi tham gia các cuộc thi… Dù với hình thức nào đi nữa thì mục đích cuối cùng là đánh cắp thông tin, dẫn dụ người dùng vào các bẫy đã lên sẵn kịch bản.

Kể về các phương thức, thủ đoạn của bọn lừa đảo mà mình đã từng là nạn nhân, chị N.T.H. (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Khi thấy Fanpage siêu mẫu ảnh, tôi đã click vào và ngay lập tức nhận được phản hồi. Đầu tiên, tôi phải kê khai các thông tin cá nhân của mình và của con mình, chụp ảnh và chụp giấy tờ tùy thân. Sau khi xét duyệt thì được thêm vào nhóm, khoảng vài trăm người, để làm quen, chia sẻ hoàn cảnh gia đình, kinh nghiệm nuôi dạy con cái để các thành viên thấy có sự đồng cảm, đồng cảnh ngộ trong việc nuôi dạy con và mong muốn con có tương lai tốt đẹp. Sau khi “dính” bước 1, tôi bị “lùa” vào một nhóm khác, khoảng hơn chục người với đầy đủ ban bệ từ giám đốc kinh doanh, trưởng phòng, bộ phận nhân sự, chuyên viên tư vấn. Sau đó thì bắt đầu thực hiện “nhiệm vụ”, vì muốn con làm người mẫu chính thức phải vượt qua những vòng thử thách! Mỗi “nhiệm vụ” là một lần chuyển tiền theo yêu cầu khác nhau. Những lần chuyển tiền ban đầu đều được trả lại hết, nhưng sau đó, khi số tiền tăng dần thì các thành viên trong nhóm (toàn chim mồi) liên tục chụp hình tài khoản vừa nhận lại được tiền, rồi động viên nhau cố gắng vay mượn chuyển thêm để hoàn tất nhiệm vụ rồi tiền sẽ về. Lúc đó, tâm lý ai cũng không muốn mất số tiền ban đầu nên lại tiếp tục chuyển tiền theo hiệu lệnh. Nhóm bạn của tôi có người mất hơn chục triệu đồng, có người mất hàng trăm triệu đồng”.

Trên thực tế, ở Gia Lai đã có nhiều trường hợp bị lừa tiền. Mới đây, tại huyện Kbang có 2 cá nhân bị lừa hơn 2 tỷ đồng qua không gian mạng, dù trước đó, ngành chức năng đã khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ và yêu cầu nhanh chóng thông báo cho cơ quan Công an khi có dấu hiệu nghi ngờ về lừa đảo.

Ngoài nguy cơ là con mồi của các đối tượng lừa đảo, người dùng còn đối mặt với nhiều rủi ro khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc biệt là giao dịch trên môi trường điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài. Nhiều người mua hàng qua kênh online khi gặp thiệt hại không biết khiếu nại ở đâu, việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của khách hàng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Vì vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tìm hiểu kỹ thông tin, tránh lâm vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.

Có thể bạn quan tâm