Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Cánh chim đầu đàn của Công ty 74

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở Công ty 74 (Binh đoàn 15), mọi người gọi Rơ Lan HBlơn-công nhân thu hoạch mủ cao su đội 9 là cánh chim đầu đàn. Năm nào chị cũng được Công ty khen thưởng, trong đó có 4 năm liên tục (2013-2016) đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và được Bộ Tư lệnh Binh đoàn tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

 Chị Rơ Lan HBlơn đang cạo mủ cao su. Ảnh: Đ.X.T
Chị Rơ Lan HBlơn đang cạo mủ cao su. Ảnh: Đ.X.T

Rơ Lan HBlơn sinh ra và lớn lên ở làng Đo (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Vì điều kiện gia đình khó khăn nên học hết lớp 9 chị phải nghỉ học để tham gia lao động sản xuất đỡ đần gia đình. Năm 2008, chị vào làm công nhân đội 9, nhận khoán 3 vườn cây cao su kinh doanh. Chị chia sẻ: “Bố đi lấy vợ khác, mẹ mình suy nghĩ nhiều sinh ra ốm đau thường xuyên không làm được việc nặng. Em trai và em gái đã bắt chồng, bắt vợ ở làng khác cũng không có thời gian chăm sóc mẹ. Mình vừa chăm sóc mẹ, vừa chăm sóc con nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa vào mùa mưa đường trong lô cao su trơn trượt, xách thùng mủ mấy chục ký rất dễ ngã, vì vậy những ngày đầu vào làm công nhân mình lo không hoàn thành sản lượng Công ty giao. Mình luôn xác định muốn làm tốt nhiệm vụ thì phải có sự đam mê và tình yêu với nghề, có trách nhiệm với đơn vị, gia đình và chính bản thân mình”.

Với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, ham học hỏi, thương mẹ, thương con, yêu gia đình, chị đã phấn đấu hết mình, tích cực học hỏi kinh nghiệm, thực hiện đúng quy trình chăm sóc vườn cây, tỉ mỉ hoàn thiện từng đường cạo, tiết kiệm từng giọt mủ, phấn đấu hoàn thành công việc với thời gian sớm nhất để tận thu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài định lượng phân bón cho vườn cây cao su kinh doanh do Công ty quy định, chị còn bón phân tăng thêm để vườn cây phát triển tốt và cho nhiều mủ. Những vườn cây do chị đảm nhận luôn cho năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước và vượt kế hoạch hàng năm từ 10 đến 20%. Chị khoe: “Năm đầu tiên, tiền lương bình quân của mình chỉ có 3-4 triệu đồng/tháng, nhưng những năm gần đây đã tăng lên 5- 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vợ chồng mình còn trồng thêm 3 sào lúa nước và 500 cây cà phê, 200 cây điều, mỗi năm thu nhập thêm hơn 100 triệu đồng”.

Nhận xét về chị, Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Thọ-Bí thư chi bộ, Đội trưởng đội 9 cho biết: “Trước khi vào làm công nhân, điều kiện kinh tế gia đình của chị Rơ Lan HBlơn rất khó khăn, mẹ già đau yếu, đứa con đầu bị bệnh rối loạn tâm thần. Những năm gần đây, giá mủ cao su xuống thấp, lốc xoáy làm gãy và vặn cây nên cho mủ ít. Tuy nhiên, chị luôn ổn định tư tưởng, bám trụ, tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, đi cạo và thu mủ đúng giờ quy định. Chị còn vận động công nhân và bà con dân làng chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy định của Công ty, đơn vị; trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa nước, lúa rẫy để đảm bảo lương thực, thực phẩm; đào hố rác, làm dây phơi quần áo để đảm bảo vệ sinh cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Với sự phấn đấu không ngừng, tháng 4-2016, chị được các hội viên phụ nữ tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng chi hội 9 và được kết nạp vào Đảng tháng 10-2016”.

Có lần chứng kiến HBlơn chủ trì buổi tọa đàm nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), chúng tôi thật sự khâm phục và chợt nhận ra chị không chỉ là người thợ thu hoạch mủ cao su giỏi mà còn là người có năng lực về công tác tổ chức, quy tụ và vận động quần chúng. Chị Lê Thị Luyên-Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Công ty nhận xét: “Chị Rơ Lan HBlơn rất có năng lực điều hành sinh hoạt chi hội, tham gia phát biểu xây dựng hội rất tích cực, hệ thống sổ sách rất đầy đủ, cẩn thận; tham gia các phong trào sôi nổi, nhiệt tình. Trong 9 năm qua (2008-2016), năm nào chị cũng được Giám đốc Công ty tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của phụ nữ”.

 Đỗ Xuân Tiến

Có thể bạn quan tâm